75 năm đã trôi qua nhưng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị, góp phần đưa đất nước ta vượt qua bao khó khăn, thử thách để có được như ngày hôm nay. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch ra đời trong một bối cảnh hết sức đặc biệt. Trong tình cảnh khó khăn gian nan ấy, lời kêu gọi của Bác như lời hiệu triệu thôi thúc người dân Việt Nam yêu nước không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc. PGS.TS Lý Việt Quang viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng lời kêu gọi thi đua ái quốc đã khơi dậy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Khi chúng ta còn phải chiến đấu trong vòng vây của kẻ thù, khi chúng ta còn chưa được sự giúp đỡ nào thực sự từ bên ngoài thì qua phong trào thi đua, qua sự hưởng ứng của toàn nhân dân đối với lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác đã tạo ra một nguồn sức mạnh nội sinh rất lớn đối với cả dân tộc, với cả đất nước Việt Nam chúng ta.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời nêu ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta. Bác kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc”. Vấn đề thi đua cũng được Bác Hồ coi trọng trong những giai đoạn cụ thể. Khi đất nước đang đối phó với nạn đói, nạn dốt, nạn ngoại xâm, Người viết thư khuyên đồng bào nên tiếp tục phát triển chí khí xung phong trong phong trào thi đua ái quốc để: "Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm". Những ngày đón Tết, vui xuân, Người vẫn không quên nhắc nhở mọi người, mọi ngành, mọi cấp phải ra sức thi đua với nhau. Đặc biệt, Người chỉ rõ rằng, thi đua không phải là nhất thời mà phải là trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện”, “Trong thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...".

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua không chỉ là hoạt động tích cực, sáng tạo trong công việc hàng ngày, mà còn là biểu hiện của lòng yêu nước, là tình cảm của mỗi con người Việt Nam đối với Tổ quốc, quê hương. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Nói yêu nước thì phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Và chính Người đã làm cho phong trào thi đua của nhân dân ta mang bản sắc dân tộc Việt Nam - đó là lòng yêu nước được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, là đạo đức, văn hóa, cốt cách của người dân đất Việt. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng đây không chỉ là lời hiệu triệu mà còn là sự động viên của Bác đối với toàn thể nhân dân dân: Chúng ta hiểu được thi đua là sự khích lệ về mặt tinh thần và cái sức mạnh tinh thần nó được phát huy trong thực tiễn, khi mọi người đồng tâm hiệp lực cho mục tiêu. Vì thế, nếu nói đến phong trào thi đua mà chủ tịch Hồ Chí Minh phát động, thể hiện rất rõ là con người ấy đã rất hiểu những đồng bào của mình, khát vọng công dân của mọi người muốn được tham gia và tạo ra những hành lang để khích lệ, mọi người có thể đóng góp trên mỗi lĩnh vực của mỗi con người.

75 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Trong những năm gần đây, nhiều phong trào thi đua cụ thể, liên tục, thiết thực, có tác động lan toả rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, góp phần huy động được nhiều nguồn lực xã hội cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu là các phong trào "Lao động giỏi, lao động sáng tạo"; "Thi đua quyết thắng", "Vì an ninh Tổ quốc", "Dạy tốt, học tốt", "Dân vận khéo”. Đặc biệt là 3 phong trào thi đua trọng tâm: "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển", "Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau"... Theo PGS.TS Nguyễn Thế Thắng, nguyên Trưởng khoa Tư tưởng Hồ Chí Minh - Học viện Chính trị khu vực I - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua luôn bám sát mục tiêu cách mạng ở mỗi thời kỳ. Các phong trào thi đua đã huy động được sức mạnh của toàn Đảng toàn quân toàn dân ta trên tất cả các lĩnh vực, từ trong học tập nghiên cứu, khoa học cho đến lao động sản xuất kinh doanh; trên các lĩnh vực chiến đấu, quốc phòng an ninh đều xuất hiện các cá nhân, các tập thể, anh hùng và có nhiều thành tích to lớn, cống hiến xuất sắc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Đến nay, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua vẫn nguyên giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới và xu thế hội nhập phát triển hiện nay, lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực cho mọi tầng lớp nhân dân.