Thái Lan là một trong những quốc gia có nền điện ảnh phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Nền điện ảnh nước này bắt đầu phát triển từ những năm 1930. Cho đến năm 2005 Thái Lan đã có tới 9 phim vượt mốc doanh thu 1 triệu USD toàn cầu. Phim nội địa có doanh thu cao nhất mọi thời đại của điện ảnh Thái đang là “Pee Mak Phra Khanong” ra mắt năm 2013, đạt doanh thu 30 triệu USD (gần gấp đôi “Bố già” – phim ăn khách nhất Việt Nam hiện tại với doanh thu 18 triệu USD).

Thái Lan cũng được xem là trung tâm sản xuất và gia công của khu vực. Hàng loạt phim Việt, đặc biệt là các phim của đạo diễn Victor Vũ như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Thiên thần hộ mệnh” đều thuê người sáng tác nhạc nền, làm kỹ xảo đồ họa tại Thái Lan. Thái Lan cùng với Philipines và Cambodia cũng nổi tiếng là địa điểm yêu thích của các đoàn phim quốc tế nếu muốn có bối cảnh Đông Nam Á. Trong năm 2019 (trước khi dịch Covid-19 bùng phát), doanh thu từ các đoàn phim quốc tế của Thái đạt 150 triệu USD.

Vậy Thái Lan có những chính sách quản lý và phát triển điện ảnh như thế nào. VOV2 đã có cuộc trao đổi với phóng viên Lê Quang Trung, trưởng Cơ quan đại diện Đài TNVN tại Thái Lan để tìm hiểu vấn đề này.

Phóng viên: Xin chào anh Lê Quang Trung. Luật Điện ảnh Thái Lan hiện hành có những điều cấm gì không?

Quang Trung: Thái Lan là một trong những nước ở khu vực Đông Nam Á có nền điện ảnh khá phát triển và đã tạo ra được không ít tiếng vang trong khu vực cũng như trên thế giới. Chính vì có một lịch sử điện ảnh lâu đời nên Thái Lan cũng có những quy định chặt chẽ và được luật hoá rõ ràng để làm căn cứ xử lý những sai phạm trong điện ảnh tại nước này.

Các sản phẩm điện ảnh của Thái Lan không chỉ phải đáp ứng Luật điện ảnh mà cả Luật kiểm duyệt bao gồm các nội dung mang tính phỉ báng, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục tại Thái Lan. Đối với Thái Lan là đất nước đạo phật nên các hình ảnh về chùa chiền phải được tôn trọng. Ngoài ra, các phim cũng không được phép mang tính kích động gây chia rẽ, làm ảnh hưởng tới uy tín đặc biệt là của Hoàng gia cũng như đất nước.

Luật kiểm duyệt tại Thái Lan có từ những năm 1930 cực kì khắt khe, ví dụ các cảnh khoả thân, hút thuốc, sự xuất hiện của rượu hay chĩa súng vào người khác, cảnh bạo lực, máu me cũng sẽ bị cấm chiếu. Các hình ảnh trên phải được che mờ và dán nhãn. Đã có rất nhiều bộ phim nước ngoài mất đi nội dung vì những quy định khắt khe tại Thái Lan và hiện nay đang có nhiều tranh cãi ví dụ như bộ phim “Hội chứng thế kỷ” năm 2006 có cảnh một nhà sư chơi guitar phải bị cắt bỏ song đạo diễn người Thái đã không cắt nên phim đã không được chiếu trên Thái Lan. Riêng với các vấn đề tình dục trên phim, mãi cho đến sau năm 1973, các nhà làm phim mới được tự do hơn trong việc thể hiện.

Hiện nay, các tranh cãi về kiểm duyệt phim tại Thái Lan vẫn còn rất nhiều và Hội đồng Lập pháp Quốc gia nước này đang xem xét cho ra một hệ thống phân loại phim điện ảnh nhưng vẫn vấp phải rất nhiều ý kiến trái chiều.

Phóng viên: Khi làm phim thì có những cảnh hay hành động gì sẽ có thể bị xử lý hình sự tại Thái Lan, thưa anh?

Quang Trung: Vì những quy định khắt khe về hình ảnh cũng như nội dung phim nên các nhà sản xuất phim tại Thái Lan khá tuân thủ những điều này nếu không muốn “đứa con tinh thần” của mình bị cấm chiếu. Hầu hết các vi phạm tại Thái Lan chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính chứ chưa tới mức phải xử lý hình sự. Tuy nhiên, luật điện ảnh cũng quy định rõ ràng nếu các phim có nội dung ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, phỉ báng hoàng gia hay kích động người dân thì cũng sẽ bị xử lý hình sự theo các bộ luật khác.

Chẳng hạn như đạo diễn MJ Chatri Chalerm Yukol từng được mời lên giải trình với Thủ tướng Chom Phon Kittikachorn vì bộ phim Kan của ông có nội dung được cho là chỉ trích Chính phủ, gây bất ổn nhà nước.

p1.jpg

Khi thị trường băng đĩa bùng nổ ở Thái Lan khiến việc kiểm soát trở nên phức tạp hơn. Hiện tại, các ấn phẩm gồm: VCD, DVD, băng cát-xét, trò chơi điện tử, đĩa CD và file ghi âm, ghi hình... được kiểm soát bằng “Đạo luật Truyền hình 2530”. Theo trợ lí Bộ trưởng Văn hóa, một ấn phẩm văn hóa kể cả đã được kiểm duyệt và cấp phép xuất bản vẫn có thể bị bắt bỏ tù nếu phát hiện có hình ảnh khiêu dâm theo Luật Hình sự 287. Chính vì thế, các nhà làm phim Thái không có cách nào khác ngoài tự kiểm duyệt chặt chẽ nếu không muốn gặp rắc rối với luật pháp.

Phóng viên: Thái Lan đã làm gì để chào đón các đoàn phim quốc tế vào tạo doanh thu cho điện ảnh Thái? Cơ chế phối hợp giữa các Bộ và địa phương thế nào để tạo điều kiện cho đoàn phim quốc tế?

Quang Trung: Đối với các đoàn làm phim quốc tế, Thái Lan cũng quy định rõ ràng và được luật hoá vào năm 2001 gồm 9 điều. Theo đó, trong luật nêu rõ các đoàn làm phim nước ngoài ở Thái Lan sau đó phổ biến phim ở các nước khác có thể có tác dụng quảng cáo, thu hút du lịch cũng như đầu tư vào Thái Lan. Điều này được phía Thái Lan rất khuyến khích. Tuy nhiên, hình ảnh không được ảnh hưởng tới an ninh quốc gia về chính trị, kinh tế, xã hội và đạo đức cũng như uy tín của Thái Lan.

Các phim nước ngoài quay tại Thái Lan cũng phải đảm bảo phù hợp với đạo đức và văn hoá của Thái Lan. Ở đây không chỉ là phim mà còn là về các đoạn quảng cáo hoặc phim tài liệu. Bất kì đoàn làm phim nào muốn quay ở Thái Lan đều phải xin phép trước ít nhất 14 ngày bao gồm có kịch bản, việc phối hợp với ai trong Thái Lan và cuối cùng là gửi sản phẩm sau khi đã hoàn thành.

Thái Lan là một đất nước du lịch nổi tiếng chính vì thế đã có nhiều bộ phim đình đám được quay tại đây và mang lại nhiều lợi ích về quảng bá cho quốc gia này. Thái Lan cũng rất biết tận dụng ưu thế này để tạo ra doanh thu như việc các đoàn phim phải nộp phí, thậm chí rất nhiều khoản phí khác nhau (tuỳ theo quy mô của bộ phim). Ví dụ, phải có người của Cục điện ảnh đi cùng giám sát và đoàn làm phim phải trả phí cho người này, phải đóng phí cho cảnh sát để bảo vệ an ninh… ngoài ra ở các điểm quay phim cũng phải nộp các khoản phí khác nhau tuỳ theo quy định của địa phương.

Đối các đạo cụ và phục trang của đoàn làm phim khi đưa vào Thái Lan phải được đăng kí, duyệt và thông qua bởi các có quan chức năng; có thể tùy thuộc nội dung phim để ký và thông qua ở các cấp khác nhau. Cấp cao nhất để xử lí vấn đề này là Cục Điện ảnh.

Phóng viên: Xin cảm ơn PV Lê Quang Trung!