Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, Thái Nguyên là vùng đất trù phú có tài nguyên tự nhiên, tài nguyên văn hóa, nhân văn phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh được đưa vào danh mục kiểm kê.

Đặc biệt, Thái Nguyên còn là cái nôi cách mạng với những “địa chỉ đỏ” như: Khu di tích quốc gia đặc biệt An toàn khu Định Hóa; Khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm lưu niệm các TNXP Đại đội 915, đội 91 Bắc Thái…

Thái Nguyên hấp dẫn du khách không chỉ bởi du lịch về nguồn tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa, di chỉ khảo cổ mà còn bởi sự phát triển mạnh của du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, bởi đây là vùng đất non xanh nước biếc với nhiều danh thắng nổi tiếng như Hồ Núi Cốc, Hang Phượng Hoàng- suối Mỏ Gà, Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải, Điểm du lịch sinh thái Dũng Tân, Điểm du lịch cộng đồng xã Tân Cương, Điểm du lịch cộng đồng xóm Mỏ Gà... Sườn Đông dãy Tam Đảo trùng điệp thuộc tỉnh Thái Nguyên có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ, nhiều dòng suối, thác nước, bãi đá được thiên nhiên kiến tạo làm nên nét độc đáo, riêng có nơi đây.

Vùng đất “Đệ nhất danh trà” còn nổi tiếng với những đồi chè xanh ngút ngàn trên những vùng chè đặc sản như: Tân Cương, La Bằng, Khe Cốc, Trại Cài... Sự phát triển của cây chè và sản phẩm trà từ lâu đã gắn với đời sống của người dân Thái Nguyên, nghệ thuật thưởng trà đã trở thành nét văn hóa đặc sắc hấp dẫn du khách. "Thái Nguyên là nơi sinh sống đan xen của 51/54 dân tộc anh em, trong đó đông nhất là 8 dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Sán Dìu, Sán Chay, Dao, Mông, Hoa. Đến với Thái Nguyên, du khách sẽ được tìm hiểu, trải nghiệm các lễ hội, văn hóa dân gian, ẩm thực, nghề thủ công, trang phục... Mỗi dân tộc còn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, tạo nên bản sắc độc đáo thu hút khách du lịch", ông Nguyễn Ngọc Tuân, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh.

Với 25 năm kinh nghiệm làm du lịch, ông Vũ Văn Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty du lịch Travelogi Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam cho rằng, với vị trí là cửa ngõ của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc, Thái Nguyên là thành phố hiếm của Việt Nam khi hội tụ đủ tất cả những lĩnh vực trong du lịch, từ di sản, văn hoá, sinh thái và từ vật thể và cả phi vật thể. Hiếm có nơi nào có trên 500 di sản được bảo vệ, trong đó có 19 di sản phi vật thể và đặc biệt nhất là hệ sinh thái về du lịch cộng đồng. Trong đó, Làng du lịch cộng đồng Thái Hài được công nhận là 1 trong 32 bản du lịch cộng đồng tốt nhất thế giới.

Du lịch hệ sinh thái và cộng đồng ở Thái Nguyên rất nổi tiếng và nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, tỉnh chưa chú trọng vào định hướng, phát triển về định vị thương hiệu du lịch, đặc biệt là cộng đồng du lịch tại Thái Nguyên. Vì vậy, theo ông Tuyên, tỉnh cần kết nối các cộng đồng doanh nghiệp để tạo ra giá trị gia tăng. "Hy vọng trong năm nay tỉnh sẽ đầu tư nhiều hơn cho Sở Du lịch cũng như Trung tâm xúc tiến để tạo ra những chương trình du lịch, xúc tiến quảng bá cũng như định vị thương hiệu. Từ đó, có thể thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến Thái Nguyên nhiều hơn và trải nghiệm những dịch vụ 1 cung đường di sản văn hoá của Thái Nguyên được trọn vẹn hơn", ông Vũ Văn Tuyên nhấn mạnh.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung xây dựng phát triển 4 dòng sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh, lịch sử, về nguồn; Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; Du lịch cộng đồng, nông thôn gắn với văn hóa trà; Du lịch MICE, thể thao, khám phá hang động mạo hiểm. Với mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, tỉnh Thái Nguyên đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm “đánh thức” tiềm năng du lịch của tỉnh, tập trung hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao, tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Cũng tại Hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp tác phát triển giữa Hiệp hội Du lịch 6 tỉnh vùng trung du miền núi phía Bắc, gồm: Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng - Hà Giang - Lạng Sơn - Bắc Giang.