Việc kết hợp giữa nghệ thuật và du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí mà còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đặc biệt, mang lại nguồn lợi kinh tế cho nhiều địa phương. Không thể phủ nhận nhờ có nghệ thuật truyền thống đặc sắc đã biến từng tour du lịch thành những điểm nhấn đặc biệt, trở nên hấp dẫn, mới mẻ hơn, kéo theo lượng khách đổ về đông hơn. Chính vì vậy, kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch đang là hướng đi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai. Đây cũng là một xu hướng của thế giới, được biết đến với tên gọi du lịch nghệ thuật.

Trong các địa phương trên cả nước thì thành phố Hà Nội đang là nơi phát huy được nhiều lợi thế về khai thác du lịch kết hợp với nghệ thuật phục vụ khán giả hơn cả. Ngoài các chương trình biểu diễn nghệ thuật truyền thống, các di tích, di sản cũng kết hợp với du lịch bằng những cách thể hiện đầy sáng tạo nhằm bảo tồn những di sản văn hóa và nâng cao trải nghiệm cho du khách. Sản phẩm “Tour đêm trải nghiệm Văn Miếu-Quốc Tử Giám” mang đến cho du khách những trải nghiệm mới, khác biệt so với việc tham quan di tích ban ngày khi toàn bộ mặt trước của nhà Tiền đường sân Thái Học biến thành một màn hình khổng lồ trình chiếu 3D mapping giúp khách tham quan khám phá những giá trị tinh túy nhất trong đạo học của người Việt.

Thực tế, những năm gần đây, tại Hội An, doanh thu từ du lịch kết hợp với nghệ thuật truyền thống chiếm khoảng từ 20-30% tổng doanh thu của các cơ sở lưu trú và hoạt động nghệ thuật địa phương. Tuy nhiên, ông Lê Hồng Thái, Trưởng phòng Đầu tư và Phát triển, Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho rằng, để các chương trình đạt hiệu quả cao hơn cần có sự đầu tư và phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị biểu diễn và du lịch, tăng cường quảng bá để thu hút nhiều hơn nữa sự quan tâm của công chúng, cần sự nghiên cứu nhu cầu của khách du lịch để thiết kế chương trình cho phù hợp.

Sự bắt tay giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, ngoài việc quảng bá các loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, đất nước và con người Việt Nam còn đem lại một nguồn lợi kinh tế. Tuy nhiên, sự kết hợp này cũng gặp không ít trở ngại, thách thức và đây cũng là bài toán đau đầu cho các nhà quản lý.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội nêu thực tế: "Chúng ta có nhiều chính sách khác nhau, tuy nhiên, chính sách cho phát triển du lịch văn hóa với tư cách là một ngành công nghiệp văn hóa thì còn cần có những cái phải chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp. Chúng ta cần coi những sản phẩm du lịch văn hóa là hàng hóa mà nó có những logic đặc biệt của nó. Nếu tập trung cho lĩnh vực này thì sẽ tạo ra tác động lan tỏa đến các lĩnh vực của đời sống xã hội".

Để khai thác hiệu quả liên kết giữa nghệ thuật truyền thống và du lịch, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa giữa ngành văn hóa và du lịch cũng như sự quyết tâm, đồng lòng của những người sáng tạo nghệ thuật và kinh doanh du lịch. Vì chỉ khi được quan tâm và đầu tư bài bản cho hoạt động du lịch, hình ảnh du lịch gắn với các hoạt động văn hóa truyền thống mới có thể trở thành thương hiệu hấp dẫn của từng điểm đến tại Việt Nam.