Cuộc toạ đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” do Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức ngày 24/2/2023 với mục đích đánh giá thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động phát huy giá trị di sản. Bên cạnh đó, thông qua tọa đàm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng, phát động các phong trào hiến tặng, chia sẻ tài liệu. Mục đích cuối cùng là di sản được phát huy hiệu quả vì lợi ích chung của toàn xã hội.

Với sự tham gia của các diễn giả, các nhà nghiên cứu gạo cội như nhà Sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam; ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế; ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ; ông Phạm Định Phong, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cùng nhiều nhà nghiên cứu, nhà sưu tầm và các cá nhân đam mê di sản. Cuộc tọa đàm đã mở ra những góc nhìn mới mẻ về phát huy các giá trị di sản cũng như vai trò tác động của việc chia sẻ ký ức tưởng chừng như là một việc riêng tư.

Tại cuộc tọa đàm, bà Trần Thị Mai Hương, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ quốc gia I cho biết: Phát huy giá trị tài liệu là một trong các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, Trung tâm đã đưa di sản tài liệu lưu trữ đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Trung tâm đã chủ động chia sẻ thông tin tài liệu lưu trữ thông qua các bài viết, ấn phẩm, triển lãm. Đồng thời, Trung tâm cũng nhận được sự hưởng ứng đóng góp tư liệu của nhiều cá nhân để các hoạt động phát huy giá trị di sản ngày càng hiệu quả. Cuộc tọa đàm này là một trong những hoạt động cụ thể góp phần để công chúng nhận diện và phát huy giá trị di sản của các tài liệu lưu trữ.

Với vai trò là diễn giả tham gia cuộc tọa đàm, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam Dương Trung Quốc cho rằng, người làm sử luôn quan niệm lịch sử thực chất là sự nối dài ký ức của cộng đồng từ đời này qua đời khác. Con người suy nghĩ gì về quá khứ và muốn để lại gì cho tương lai? Đây là vấn đề của thời đại, khi con người được coi là trung tâm, trí tuệ là động lực của sự phát triển. Ký ức của mỗi người là một phần ký ức chung của xã hội. Và chia sẻ ký ức là cách thức tốt nhất phát huy di sản chung ấy. “Mỗi con người đều chứa đựng một phần lịch sử. Chúng ta có những cuốn sách như “Mãi mãi tuổi 20” bởi Đặng Thùy Trâm ghi nhật ký, chia sẻ ký ức của mình. Và rất nhiều ví dụ khác nữa. Nếu mỗi cá nhân, mỗi tổ chức, đơn vị đều ý thức được việc lưu giữ và lan tỏa những ký ức, những tư liệu có giá trị lịch sử thì kho tàng của chúng ta sẽ được bồi đắp. Cuộc tọa đàm hôm nay vừa là cách chia sẻ vừa là một cách bồi đắp thêm cho kho tàng di sản” - Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ trong cuộc trò chuyện cùng VOV2.

Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc chia sẻ kí ức dưới nhiều hình thức đã trở thành một xu hướng cũng như nhu cầu tất yếu của xã hội. Các cá nhân và tổ chức đã chủ động chia sẻ thông tin phục vụ cho đông đảo công chúng. Do đó, chia sẻ sẽ tạo cơ hội cho di sản hội tụ và phát huy giá trị tốt nhất.

Cục trưởng Cục Văn thư Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng nhận định: “Thời đại công nghệ 4.0, nhưng gốc của nó vẫn là sự chia sẻ. Chúng ta chỉ có thông tin khi mọi người chia sẻ. Thông tin chỉ có giá trị khi được chia sẻ với cộng đồng, trên phạm vi rộng nhất có thể. Mong rằng trong tương lai gần, cộng đồng xã hội sẽ được chứng kiến, được hưởng lợi ích chung từ việc chia sẻ rộng rãi giá trị tài liệu lưu trữ"

Điều đáng mừng là cuộc tọa đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” thu hút sự quan tâm của đông đảo các bạn trẻ. Bạn trẻ Nguyệt Linh là người đang trên hành trình tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, di sản chia sẻ, tham dự cuộc tọa đàm cho bạn thu nhận rất nhiều điều thú vị: “Được tham gia một sự kiện quan trọng tầm cỡ như thế này, lần đầu tiên tôi cảm thấy mình gần gũi hơn với kho tư liệu mà trước đây tôi chưa có cơ hội để tiếp cận. Hơn nữa, những chia sẻ của nhà sử học Dương Trung Quốc hay PGS.TS Nguyễn Văn Huy rất quan trọng và có thể gợi mở cho thế hệ trẻ của chúng tôi những cách để nhìn, để tìm hiểu cũng như để khai thác và phát huy những giá trị từ quá khứ. Cũng từ những gợi mở đó, tôi nghĩ, bản thân mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta là những kho tư liệu nhỏ, kho tư liệu hạt nhân của đất nước. Chắc chắn rồi đây tôi sẽ ý thức cao hơn về việc lưu trữ cá nhân và lưu trữ trong gia đình".

Một thực tế được chỉ ra là hiện nay, bên cạnh khối tài liệu lưu trữ được bảo quản tại các Trung tâm Lưu trữ quốc gia, còn rất nhiều tài liệu, tư liệu đang nằm rải rác trong bộ sưu tập của các cá nhân, tổ chức cũng như trong những câu chuyện kể của các nhân chứng lịch sử. Các tài liệu, tư liệu này có mối quan hệ chặt chẽ và bổ sung cho nhau giúp phác hoạ được bức tranh về đời sống xã hội một cách toàn diện nhất trong lịch sử. Vì thế, các đại biểu cho rằng, cần có các chính sách khuyến khích chia sẻ ký ức, tư liệu, phát huy hiệu quả tài liệu lưu trữ phục vụ lợi ích chung của toàn xã hội, góp phần giáo dục tình yêu di sản cho thế hệ trẻ và giúp mọi người hiểu hơn về lịch sử.

Cuộc tọa đàm “Chia sẻ ký ức – Phát huy di sản” đã mở ra những góc nhìn mới, gợi ý những góc tiếp cận mới để tư liệu trở thành di sản. Đây cũng là một hoạt động cụ thể để kết nối và lan tỏa, bồi đắp những giá trị các bậc tiền nhân để lại cho thế hệ tương lai.