Trong phiên họp toàn thể lần thứ 8 Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho ý kiến 6 nội dung, gồm: Dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự thảo Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo; dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 và dự kiến chương trình công tác năm 2025 của Ủy ban; dự thảo Báo cáo tham gia thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 đối với lĩnh vực Ủy ban phụ trách.
Các nội dung đưa ra bàn thảo tại phiên họp lần này có ý nghĩa quan trọng không chỉ phục vụ việc trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 tới đây mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc định hướng tổ chức và hoạt động của Ủy ban trong năm 2025 cũng như các năm tiếp theo.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Văn hóa Giáo dục trong các lĩnh vực phụ trách. Năm 2024 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc để về đích nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và hệ thống chính trị. Ủy ban Văn hóa Giáo dục rất tập trung, nỗ lực, tận tâm, tận lực, chủ động triển khai trong chương trình của mình và để lại dấu ấn nhiệm kỳ rất quan trọng, nhất là trong năm 20024. Ủy ban đã cùng với Bộ VH-TT&DL đề xuất sáng kiến và được Chính phủ, Trung ương, Quốc hội đồng tình cao. Đến thời điểm này, hoạt động của Uỷ ban về văn hóa, các dự án Luật, chương trình mục tiêu phát triển văn hóa đã đi gần đến thời điểm bấm nút, tất cả nội dung đã tạo được sự đồng thuận cao.
Trong Kỳ họp thứ 8 sắp tới, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục được giao chủ trì thẩm tra một số nội dung, trong đó có dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); dự án Luật Nhà giáo; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Đây là các nội dung quan trọng, khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, giáo dục đối với sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong điều kiện mới. Các dự án luật, nghị quyết có nội dung khó, phức tạp, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Tuy nhiên, về cơ bản, các dự thảo Luật đều nhận được sự đồng thuận từ các đại biểu tham dự phiên họp.
Ông Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Thứ nhất là về dự án Luật sửa đổi bố sung một số điều của Luật Quảng cáo, sau hơn 10 năm thực hiện, thực tiễn quảng cáo cũng thay đổi nhiều và có nhiều điểm phải bổ sung như quảng cáo trên không gian mạng. Về dự án Luật di sản văn hóa sửa đổi thì nhìn chung các vấn đề lớn đều có sự đồng thuận, nhất trí của cả hai bên. Về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa thì qua rà soát chưa thấy có vấn đề gì có ý kiến riêng rẽ cả.
Dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cơ bản nhận được sự đồng tình của các đại biểu. Tuy nhiên, cần làm rõ cơ sở thực tiễn đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung các chính sách quy định về quảng cáo trên báo in, báo hình và trên mạng; cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo; tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo; trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; đánh giá kinh nghiệm pháp luật quốc tế về quảng cáo.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa đề xuất cần quan tâm đến quảng cáo trên không gian mạng, đặc biệt là về chất lượng nguồn nhân lực làm quảng cáo. Ví dụ như các tiktoker của Việt Nam khá là thu hút được người xem trên các kênh quảng cáo nhưng họ chưa được đào tạo, họ rất hồn nhiên nên đã dẫn đến những sai phạm rất đáng tiếc. Họ chưa có nền tàng nên cần nắn họ đi theo đúng hướng. Đây là quản lý từ sớm, từ xa, họ chủ động xử lý, ý thức được việc đó thì đỡ phải can thiệp và đỡ mất đi nguồn lực sáng tạo rất chất lượng.
Đối với nội dung về Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa, sau khi được thảo luận tại Kỳ họp Quốc hội thứ 7, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan chủ trì soạn thảo để tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, thu hẹp mục tiêu, nhiệm vụ, bảo đảm việc bố trí nguồn lực của Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 theo hướng trọng tâm, trọng điểm, khả thi.
Bên cạnh đó, về việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài, các đại biểu cho rằng, đây là việc làm cần thiết, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, quan trọng là Chính phủ cần xác định nguồn lực, lộ trình thực hiện cụ thể, bảo đảm triển khai việc đầu tư, xây dựng Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài khả thi và phù hợp với nguồn lực hiện có. Hiện nay có một cái khó là nguồn lực của chúng ta có hạn, một số cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài còn chưa có để đầu tư thì bây giờ đầu tư trung tâm văn hóa mức độ như thế nào cho phù hợp.
Liên quan đến dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), về cơ bản cho đến thời điểm hiện nay, cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo đã có sự đồng thuận, nhất trí đối với những vấn đề lớn trong dự thảo Luật. Riêng đối với nội dung về sản phẩm phái sinh với cổ vật, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, chưa nên quy định về vấn đề này vào trong dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các ý kiến nhấn mạnh việc sửa đổi Luật hướng đến bảo đảm các quyền thụ hưởng văn hóa của con người trong tình hình mới. Các đại biểu đề nghị bổ sung thêm chính sách sưu tầm, bảo vệ cổ vật; chính sách về trình tự, hồ sơ vinh danh danh nhân văn hóa; đặc biệt là chính sách phát triển nghệ nhân, nghệ nhân dân gian. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Nghệ nhân mà đã được công nhận là nghệ nhân nhân dân và nghệ nhân ưu tú thì những chính sách rất đúng và tiếp tục thực hiện. Bây giờ có chính sách đối với nghệ nhân dân gian không? Ban soạn thảo mong muốn nghệ nhân dân gian được hưởng trợ cấp bằng lương cơ sở hàng tháng, nhưng sau khi thực hiện chính sách, sẽ có vấn đề gì không? Có phát sinh số lượng không? Liệu có đủ để đáp ứng việc này không? Vậy thì tùy theo điều kiện để giải quyết những trường hợp đấy.
Cũng trong phiên họp toàn thể này, Ủy ban Văn hóa Giáo dục cho ý kiến dự thảo Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà giáo. Có thể nói, các dự án Luật có tác động lớn đến đời sống xã hội. Vì vậy, các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần quan trọng để thể chế hóa kịp thời vào các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp 8 bảo đảm chất lượng theo nguyên tắc việc đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, kiểm nghiệm.