Chiều 10/11, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn quốc gia thường niên "Văn hóa với Doanh nghiệp" lần thứ tư và chương trình xét, công nhận doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam năm 2024. Sự kiện do Bộ VHTTDL và Hiệp hội Phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam tổ chức.
Tham dự buổi lễ có ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ VHTT, Chủ tịch Hội đồng quốc gia xét chọn doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam; bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BTC triển khai cuộc vận động xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC cùng đông đảo đại diện các Ban, Bộ, ngành Trung ương, đại diện các doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa kinh doanh Việt Nam và 20 doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam năm 2024.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhận định, đây là hoạt động giàu ý nghĩa nhằm góp phần hiện thực hóa các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đây cũng là hoạt động hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Xây dựng Văn hoá doanh nghiệp Việt Nam” do Thủ tướng Chính phủ phát động để thêm một lần nữa khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của văn hoá trong việc góp phần kiến tạo môi trường kinh doanh, phát triển kinh tế bền vững.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy đánh giá, thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp trong nước ngày càng lớn mạnh, tăng nhanh về số lượng và quy mô, đóng góp quan trọng trong thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều doanh nghiệp nỗ lực xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tạo nên sức mạnh mềm, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
“Đảng, Nhà nước đang nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời phát huy sức mạnh nội sinh văn hóa để hình thành và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng những doanh nghiệp Việt lớn mạnh, không chỉ đủ sức cạnh tranh trên sân nhà mà còn vươn tầm khu vực và thế giới. Mỗi doanh nghiệp trở thành những đại sứ quảng bá giá trị văn hóa, con người Việt Nam ra thế giới, lan toả “sức mạnh mềm” của văn hoá Việt Nam”- Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định.
Chủ đề của diễn đàn năm nay là “Kinh doanh trong môi trường đa văn hóa” với điểm nhấn là 2 phiên tọa đàm "Môi trường đa văn hoá trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu", "Doanh nghiệp thời 4.0: Chuyển đổi văn hoá số tạo nên sự khác biệt". Các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về những thách thức, khó khăn cũng như những vấn đề đặt ra đối với các doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh đa văn hóa; về vai trò của văn hóa số trong môi trường kinh doanh thời đại 4.0...
Với kinh nghiệm đầu tư vào Việt Nam hơn 30 năm, ông Hong Son, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, vai trò văn hóa doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Do đó, các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài trước hết phải chú trọng chữ Tín, đó cũng là cái gốc của văn hóa kinh doanh.
Còn ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam thì nhấn mạnh về những yêu cầu đặt ra đối với doanh nghiệp trong việc đảm bảo môi trường hoạt động đa văn hóa nhằm góp phần tạo nên sự hòa hợp và sức mạnh tổng hợp. "Doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần hợp tác, đồng thời phát huy sức mạnh nội lực để tương tác với đối tác một cách bình đẳng. Sự am hiểu về văn hóa làm việc của nhau là điều rất quan trọng”.
Với góc nhìn của nhà đào tạo nhân lực, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại cho rằng: “Nhân lực là hồn cốt, quyết định thành bại của bất cứ doanh nghiệp nào hoạt động trong môi trường đa văn hóa. Việc đào tạo nguồn lực này đang là vấn đề đặt ra cấp thiết, đặc biệt chú trọng tính hòa nhập, toàn cầu”.
Chia sẻ về văn hóa doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Misa Đinh Thị Thúy cho biết, trải qua 30 năm hình thành và phát triển, từ những ngày đầu chỉ vỏn vẹn vài người cho đến nay đội ngũ hơn 3.000 cán bộ nhân viên như hiện nay, doanh nghiệp đặc biệt chú trọng phát triển chuyển đổi số trong nền tảng quản trị, điều hành và coi đây là chìa khóa then chốt để tạo nên những thay đổi đột phá. “Chuyển đổi số trước hết cần xác định là thay đổi cách nghĩ, cách làm, tư duy của doanh nghiệp. Trong ứng dụng các giải pháp về chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thay đổi mô hình làm việc, quy trình…, từ đó mang đến những trải nghiệm cho khách hàng cũng như tăng cường hiệu quả làm việc”.
Tham dự diễn đàn, PGS.TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, điều cần kích hoạt, lan tỏa hiện nay là văn hóa sáng tạo trong hoạt động của mỗi doanh nghiệp, từ đó để kịp thời nắm bắt xu thế mới của thế giới. "Văn hóa sáng tạo của doanh nghiệp cần chú trọng cả những yếu tố dám làm, dám chịu rủi ro, có tính khác biệt, và tất cả cần dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ".
Trong khuôn khổ diễn đàn thường niên “Văn hóa với doanh nghiệp” lần thứ tư năm 2024, Ban tổ chức đã biểu dương, trao tặng Bằng khen cho 7 đơn vị, 19 phóng viên báo, đài có những đóng góp tích cực trong việc lan tỏa cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”. Đồng thời vinh danh và trao chứng nhận cho 20 "Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hoá kinh doanh Việt Nam" năm 2024.
Các hoạt động của diễn đàn năm nay sẽ tiếp tục góp phần tích cực vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ở trong và ngoài nước, từng bước định hình những đặc trưng tiêu biểu của văn hóa kinh doanh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, hội nhập quốc tế và thời đại 4.0 hiện nay.