Khẳng định văn hóa trở thành một trong các trụ cột của phát triển bền vững, là động lực của quá trình phát triển, là nhân tố phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, trong bài tham luận tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, ông Nguyễn Ngọc Thiện - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho rằng: sự nghiệp phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam phải giải quyết tốt, xử lý mâu thuẫn giữa yêu cầu về phát triển các mục tiêu nhân văn của văn hóa với những quy luật khắc nghiệt của kinh tế thị trường.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phân tích, văn hóa có tính độc lập tương đối với kinh tế nhưng văn hóa cũng không thể đứng trên kinh tế, đứng ngoài kinh tế. Hiện nay, các quy luật của kinh tế thị trường đang chi phối nhiều hoạt động, sản phẩm, dịch vụ văn hoá, đẩy nhanh khuynh hướng thương mại hoá văn hóa. Làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam một cách hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường mà vẫn giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ đầy khó khăn, thách thức.

Vấn đề thứ hai cần giải quyết đó là mâu thuẫn giữa đòi hỏi rất cao về mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam với sự đầu tư nguồn lực có hạn của Nhà nước, trong bối cảnh đời sống của người dân còn thấp, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chưa cao, điều kiện xã hội hóa các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật rất khó khăn. Nói cách khác, các nguồn lực thực hiện các mục tiêu về phát triển văn hóa, con người đề ra còn chưa tương xứng, các điều kiện để hiện thực hóa còn chưa đảm bảo. Việc xử lý thỏa đáng mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, bảo tồn và phát huy, giữ gìn và phát triển cũng được nêu trong bản tham luận.

Giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế, địa phương và nhân loại, vừa giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để văn hóa Việt Nam có thể hội nhập quốc tế thành công, đứng vững và tỏa sáng trong cơn lốc toàn cầu hóa cũng là vấn đề đặt ra hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, trong giai đoạn tới, xây dựng văn hóa vì sự phát triển bền vững đất nước cần hướng đến những nhiệm vụ cơ bản như xây dựng con người Việt Nam với những phẩm chất phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Môi trường văn hóa ở gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho con người Việt Nam, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên, cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án.“Những phẩm chất quan trọng của con người Việt Nam như yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, kỷ cương, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Cần xây dựng và phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ.

Thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ chủ động nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa trong giai đoạn mới. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, coi văn hóa là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, một trong những trụ cột bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước.“Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa phải đứng ở vị trí trung tâm của phát triển và sự phát triển phải được nuôi dưỡng và truyền bá bởi văn hoá. Văn hóa giữ vai trò định hướng sự phát triển các giá trị của xã hội, điều tiết các quan hệ xã hội bằng hệ thống các giá trị, chuẩn mực và mục đích nhân văn của nó. Với ý nghĩa đó văn hoá vừa là tiền đề, điều kiện, vừa là mục đích, động lực phát triển của con người và xã hội.” – Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.