Tuyên ngôn Độc lập mở đầu bằng một chân lý vĩnh cửu "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc", "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do".
PGS.TS Bùi Đình Phong, giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, Hồ Chí Minh đã kết hợp hai quyền rất cơ bản đó là quyền độc lập của dân tộc và quyền tự do của con người được trở thành một quyền cơ bản của dân tộc. Nội dung quyền cơ bản của dân tộc đó là độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
79 năm trôi qua nhưng Bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do, do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo, đến nay vẫn mang tính thời sự sâu sắc. Theo GS.TS Vũ Minh Giang, phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 được xem là văn kiện lịch sử vô giá với những giá trị về lịch sử và thời đại. "Ý nghĩa lớn nhất của Bản Tuyên ngôn này chính là lời tuyên bố trước thế giới về sự tái sinh của một quốc gia. Không riêng với dân tộc Việt Nam, điều này còn có ý nghĩa sâu sắc trên trường quốc tế. Từ đây, Việt Nam chính thức trở thành một quốc gia có vị trí xứng đáng trên bản đồ thế giới".
Bản Tuyên ngôn do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp viết với lời văn gọn rõ, đanh thép, lập luận chặt chẽ, dễ hiểu, đi vào lòng người, thể hiện quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do mới giành được của cả dân tộc Việt Nam. GS.TS Phạm Hồng Tung, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, tinh thần của Tuyên ngôn độc lập đã trở thành sức mạnh đưa đất nước ta giành được những thắng lợi vĩ đại.
"Toàn thể dân tộc Việt Nam đã đi qua cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 60 ngày cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh đến trận quyết chiến chiến lược ở chiến trường Điện Biên Phủ, 56 ngày đêm. Có thể nói hy sinh vô cùng to lớn nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt qua tất cả để giành được thắng lợi vĩ đại, mang hết tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ nền độc lập tự do của Tổ quốc". GS.TS Phạm Hồng Tung nhấn mạnh.
Nếu như trong các Bản Tuyên ngôn của Mỹ, của Pháp chỉ đơn thuần đề cập đến quyền của con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, là quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng trí tuệ mẫn tiệp, bằng sự trải nghiệm thực tế và thực tiễn cách mạng Việt Nam, Người đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc. Ngoài khẳng định về quyền chính đáng của dân tộc Việt Nam là được độc lập thì Bản Tuyên ngôn độc lập còn định hướng cho cả một giai đoạn sau này của cách mạng Việt Nam.
Ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc luôn gắn liền với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Bác nói: “...nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì”. Do vậy, ngay trong những năm tháng đầy thử thách, gian nan, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” để làm phương châm chỉ đạo cách mạng khiến những kẻ thù thực dân xâm lược cũng phải tôn kính, cảm phục.
Theo PGS.TS Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thì cho đến nay, những tư tưởng của Người vẫn là ngọn cờ, là kim chỉ nam cho sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế của nhân dân ta. Đảng ta luôn luôn trung thành với tư tưởng của Người, luôn luôn nhấn mạnh dân là gốc. Không có dân thì không thể làm được công việc gì. "Dân là nguồn lực vô tận và khai thác được nguồn lực ấy thì toàn bộ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng phù hợp với lòng dân, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và tạo điều kiện về nhân làm chủ. Từ đó tạo nên nội lực góp phần giúp Đảng ta thực hiện thành công con đường mà Đảng và Bác Hồ đã vạch ra".
Năm tháng sẽ qua đi, nhưng nội dung, tinh thần Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn luôn sống mãi trong lòng các thế hệ người Việt Nam, không chỉ bởi giá trị lịch sử, pháp lý mà còn bởi giá trị nhân văn cao cả về quyền con người, quyền của dân tộc được sống trong độc lập, tự do như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ấp ủ và cống hiến cả cuộc đời mình để thực hiện.
Xin mời nghe bài viết tại đây.