Cuối cùng sau nhiều năm, tháng trông đợi, “Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030” cũng đã được Chính phủ phê duyệt.

Dẫu sẽ còn nhiều việc phải làm, nhiều nghị quyết, hướng dẫn phải ban hành, nhưng trong bối cảnh phát triển nhà ở xã hội là một bài toán khó và thị trường luôn thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở xã hội, thì đây sẽ là căn cứ quan trọng để các bộ, ngành, địa phương xác định mục tiêu phát triển nhà ở xã hội từng năm, từng giai đoạn; quan tâm, dành đủ nguồn lực nhằm thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp trong giai đoạn tới.

Và quan trọng hơn, ý nghĩa hơn, đề án này của Thủ tướng đã thắp lên niềm tin cho công nhân - người lao động có thu nhập thấp về một nơi “an cư lạc nghiệp”.

Niềm tin được thắp lên bởi đây là lần đầu tiên Chính phủ đưa ra một chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân bài bản với những chỉ đạo trực tiếp từ người đứng đầu Chính phủ cùng những mục tiêu cụ thể và những giải pháp nhằm tháo gỡ hàng loạt nút thắt lâu nay.

Đầu tiên có thể nhắc tới là vấn đề tài chính cho nhà ở xã hội. Trong tổng nguồn lực 849.500 tỷ đồng để xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Chính phủ đã ngay lập tức chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước triển khai chương trình vay ưu đãi 120.000 tỷ đồng từ bốn ngân hàng thương mại BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank, với mức lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi cho vay bình quân của các ngân hàng. Thời gian ân hạn 3 năm đối với chủ đầu tư và 5 năm đối với người mua nhà.

Ngoài ra, một loạt ưu đãi cho chủ đầu tư cũng được đưa vào đề án như: được sử dụng 20% diện tích đất trong dự án nhà ở xã hội để xây nhà ở thương mại để bán theo hình thức hạch toán riêng phần đất này; được tính chi phí đầu tư hạ tầng khu nhà ở lưu trú công nhân vào chi phí hạ tầng phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất.

Doanh nghiệp xây nhà ở xã hội cho thuê được giảm thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều hơn doanh nghiệp xây nhà ở xã hội để bán, thuê mua; không phải nộp lại tiền sử dụng đất được miễn khi bán nhà ở xã hội. Không bắt buộc doanh nghiệp làm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân phải dành 20% diện tích nhà ở dự án để cho thuê.

Thế nhưng trên thực tế, với một loạt vướng mắc từ cơ chế, trong đó có cả những trói buộc trong việc thực thi các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, liệu rằng, những đột phá trong đề án lần này có đủ hấp dẫn các doanh nghiệp hào hứng đầu tư phát triển dòng sản phẩm này, đưa mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội đến năm 2030 thành hiện thực?

Liệu doanh nghiệp có kiên trì, dũng cảm đầu tư khi thủ tục còn rắc rối nhiêu khê, nhiều bước, nhiều cửa, trong khi lợi nhuận rất thấp so với việc phát triển dự án nhà ở thương mại? Ngoài ra, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lẫn người mua …cũng là rào cản không nhỏ “ngáng đường” sự phát triển loại hình nhà ở này.

Với những định hướng, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, để khuyến khích các doanh nghiệp mạnh dạn tham gia, đóng góp trách nhiệm của mình với cộng đồng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng “bắt tay” gỡ vướng về chính sách và coi đây là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu cần phải làm ngay.

Bên cạnh đó, cũng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách nhìn xây dựng nhà ở xã hội, theo hướng phát triển với quy mô lớn, tạo ra nguồn cung đủ với chất lượng đảm bảo. Cần coi việc phát triển nhà ở xã hội là chính sách kinh tế nhân văn mang tính chất ổn định an sinh xã hội, chứ không phải là câu chuyện từ thiện, ban phát. Mỗi tỉnh, thành cần xem việc xây dựng nhà ở xã hội là chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, là một hạng mục trong nguồn vốn trung, dài hạn của địa phương.

Nhà ở xã hội là một phân khúc nhà ở đặc biệt, mang nhiều yếu tố nhân văn, vì cộng đồng. Sự quyết liệt trong chỉ đạo lần này cho thấy, Chính phủ đang nỗ lực để hướng tới một hệ thống an sinh xã hội toàn diện và bao trùm. Con số 1.062.200 căn nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ được xây dựng trong đề án thoạt nhìn thì rất lớn nhưng thật ra cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thực tế.

Đây sẽ là thách thức nhưng cũng là áp lực để các bộ, ngành địa phương phải triển khai các giải pháp mạnh mẽ, khơi thông các nguồn lực đất đai, tài chính để biến giấc mơ về nơi “an cư lạc nghiệp” của người lao động thành hiện thực, xây dựng niềm tin về một Chính phủ hành động./.