Hơn hai tháng nay kể từ khi bắt đầu năm học mới, năm học mà Chương trình - Sách giáo khoa mới được triển khai, cả xã hội xôn xao về SGK lớp 1 bộ sách Cánh diều. Đây không phải là lần đầu tiên, một thay đổi trong giáo dục gặp phải phản ứng gay gắt của dư luận.

Nhìn lại cả chặng đường mấy chục năm nay của giáo dục Việt Nam, dường như chúng ta đang có một cuộc khủng hoảng kép bao gồm cả nhận thức xã hội về giáo dục và khủng hoảng ngay nội tại nền giáo dục, khủng hoảng về triết lý giáo dục.

Khủng hoảng nhận thức xã hội về giáo dục

Phụ huynh Việt Nam có một nỗi bất an không thể gọi thành tên kể từ khi con bắt đầu đến tuổi đi học. Đôi khi là mơ hồ, đôi khi rõ rệt, nhưng nó biểu hiện bằng sự thiếu niềm tin vào nhà trường và các thầy cô.

Chúng ta nghi ngờ về đích đến của con em mình, chúng ta lo lắng rồi các con sẽ trở thành người thế nào nếu thất bại trong cuộc cạnh tranh, chạy đua điểm số và những vị trí dẫn đầu? Mặc dù đôi lúc ta lờ mờ nhận thức, dường như học giỏi nhất, điểm cao nhất không phải mong muốn tối thượng khi chúng ta trao con cho ngành giáo dục, đó không phải mục tiêu chính đáng của việc đi học.

Nhưng như một nghịch lý, càng bất an thì cả xã hội càng bị vướng vào nỗi ám ảnh về điểm số và thành tích ảo.

Nhiều năm nay, điểm số của các con trở thành thứ quyết định hạnh phúc của các gia đình. Kết thúc mỗi năm học, trên mạng xã hội các mẹ khoe những bảng điểm toàn 9,10 của con. Kể cả khi ngành giáo dục ra chính sách không đánh giá học sinh dựa hoàn toàn trên điểm số và không phân loại học sinh theo các hạng khá, giỏi, trung bình thì các cha mẹ vẫn cố quy đổi những câu đánh giá tốt, có cố gắng của cô ra các thang điểm và các hạng học sinh như cũ.

Khủng hoảng nhận thức xã hội về giáo dục còn thể hiện trong ứng xử xã hội trước sản phẩm đầu ra của giáo dục. Cái được coi trọng không phải là con người được giáo dục mà lại là bằng cấp. Vụ việc hàng loạt bằng giả của ĐH Đông Đô có thể coi là một đại án, nhưng phổ biến hơn và ai cũng biết lại là câu chuyện bằng cấp thật mà tri thức giả.

Nhìn vào hồ sơ và bằng cấp (thật) mà đội ngũ cán bộ đang sở hữu, thì chúng ta đang có một lực lượng công chức, lãnh đạo có học hàm học vị vào loại cao trên thế giới. Chỉ tiếc rằng đội ngũ giáo sư và tiến sĩ đang nhan nhản ở các bộ ngành và địa phương ấy gần như không có hoạt động nghiên cứu khoa học hay giảng dạy nào, và cũng chưa nhìn thấy đội ngũ tiến sĩ, giáo sư đó thể hiện được sự đóng góp một cách rõ ràng cho công cuộc phát triển đất nước. Trong khi đáng buồn thay, lại có "đóng góp" rõ ràng thúc đẩy cuộc chạy đua trang bị học hàm, học vị và bằng cấp, theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả mua bằng ở trường Đông Đô.

Sự méo mó trong cách ứng xử với bằng cấp của cả hệ thống, của cả xã hội hiện nay đang là một vấn đề trầm trọng, cần nhận diện và thay đổi.

Khủng hoảng triết lý giáo dục

Khủng hoảng nhận thức xã hội về giáo dục có lẽ bắt nguồn từ một sự khủng hoảng khác, nguồn cơn của nỗi bất an của người học và phụ huynh và cả xã hội, đó là khủng hoảng triết lý giáo dục.

Thiếu triết lý dẫn đến giáo dục liên tục đổi mới mà chưa thể căn bản và toàn diện. Việt Nam đã trải qua nhiều lần cải cách giáo dục lớn nhỏ kể từ năm 1950 nhưng nói như cố GS Hoàng Tụy thì chỉ là “những đổi mới vụn vặt”. Thiếu triết lý, mọi sự đổi mới đều mang tính thử nghiệm và dễ dàng bị thay đổi qua mỗi nhiệm kỳ. Đơn cử như kỳ thi tuyển sinh đại học và nay là thi tốt nghiệp THPT, tính từ năm 1980 hết “riêng” lại “chung” nhưng chưa lúc nào thôi nóng.

Một bản kiến thiết mục tiêu định hình về phẩm chất, năng lực của người Việt phải bắt đầu từ câu hỏi “chúng ta muốn kiến thiết một xã hội thế nào?” và “chúng ta cần giáo dục thế hệ tiếp theo thành những công dân thế nào cho xã hội đó?”. Đó chính là những câu hỏi mang tính triết lý.

Chúng ta đang thiếu một triết lý tường minh cho giáo dục Việt Nam. Một triết lý đủ sức thuyết phục, đủ sức tạo niềm tin cho các phụ huynh có con đang gửi gắm cho nền giáo dục nước nhà nhưng trước hết nó phải tạo được niềm tin cho chính những người làm giáo dục.Và cao hơn hết nó là mục tiêu lớn của xã hội, của cả ngành giáo dục, trong việc tạo dựng những con người Việt Nam đáp ứng được những khát vọng lớn lao về sự phát triển hướng đến phồn vinh và văn minh của đất nước.

Triết lý giáo dục thực ra đã được nhiều chuyên gia bàn thảo trên nhiều diễn đàn. Nhưng vẫn đưa đi đến thống nhất đâu là triết lý giáo dục Việt Nam, dù việc triển khai đổi mới đã được tiến hành. Đáng tiếc nó lại bắt đầu bằng việc xây dựng ngay chương trình và SGK mới như những lần đổi mới trước.

Thấy gì từ một vài triết lý giáo dục

Triết lý giáo dục thường được nhắc đến là của Tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa Liên Hiệp quốc UNESCO.

UNESCO đã đưa ra 4 trụ cột của giáo dục, đó là “Học để biết, học để làm, học để chung sống và học để khẳng định mình”, đồng thời đặt giáo dục trong 6 mối quan hệ: Giáo dục và Văn hóa; Giáo dục và Quyền công dân; Giáo dục và Gắn kết xã hội; Giáo dục, Lao động và Việc làm; Giáo dục và Phát triển; Giáo dục, Nghiên cứu và Khoa học.

Hay như giáo dục Phần Lan đã nêu trong Luật giáo dục của nước này: “Giáo dục sẽ thúc đẩy văn minh và bình đẳng trong xã hội và các điều kiện tiên quyết của học sinh để tham gia vào giáo dục và phát triển bản thân trong suốt cuộc đời của họ”. Phần Lan nổi tiếng với chất lượng giáo dục dựa trên triết lý “niềm tin và sự bình đẳng”.

Giáo dục Mỹ dựa trên triết lý “tự chủ, tự do” mà nền tảng là triết lý giáo dục thực nghiệm và dân chủ trong giáo dục của nhà tư tưởng John Dewey.

Còn Luật Giáo dục cơ bản (bộ Luật được ban hành năm 1947 và sửa đổi năm 2006) của Nhật Bản thì ngay từ lời nói đầu đã nêu rõ “chúng ta sẽ xúc tiến nền giáo dục coi trọng sự tôn nghiêm cá nhân, truy tìm chính nghĩa và chân lý, tôn trọng tinh thần công cộng, nhắm tới giáo dục con người có tính sáng tạo và tính người phong phú, kế thừa truyền thống và sáng tạo nên văn hóa mới”.

Ở Việt Nam cũng đã có nhiều quan điểm đưa ra về triết lý và mục tiêu giáo dục.

GS Hoàng Tụy sinh thời có soạn một bản kiến nghị cải cách giáo dục trong đó có nêu “Sau mấy chục năm giáo dục chìm đắm trong khủng hoảng triền miên bởi ràng buộc ý thức hệ cứng nhắc, đến lúc chúng ta phải có sự lựa chọn, hoặc là tiếp tục con đường cũ, tiếp tục giam hãm đất nước trong nền giáo dục ngày càng tụt hậu so với thế giới hoặc là cương quyết thay đổi tư duy, thực hiện bước ngoặt cơ bản, mở đường cho một giai đoạn giáo dục khai phóng phát triển”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt từng đưa ra nguyên lý giáo dục “Tự do- tự lập- tự trọng” trong cuốn sách “Cải cách và sự phát triển”. Theo ông, “Cần phải làm thế nào để thế hệ trẻ bước vào cuộc đời với tư cách người tự do, không nhiễm độc, không định kiến và có tầm nhìn hình nan quạt chứ không phải cái nhìn trên một đường thẳng… Mục tiêu cuối cùng của con người là sống chứ không phải chỉ là làm việc, mà cuộc sống thì toàn diện, cuộc sống gồm rất nhiều thứ. Cho nên chúng ta phải dạy con người thiết kế cuộc sống như thế nào để cuộc sống ấy hạnh phúc, sung mãn, cân đối, đẹp đẽ và ít rủi ro. Muốn vậy phải bắt đầu từ việc trang bị cho các em nền tảng “Tự do – Tự lập – Tự trọng”.

Hầu hết các quan điểm đều khá đồng nhất ở điểm: giáo dục để giúp con người có khả năng tự nhận thức, tự do, tự chủ và chung sống hài hòa, giáo dục thúc đẩy công bằng xã hội.

Thử tìm một triết lý cho giáo dục Việt Nam

Dự thảo Văn kiện Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng XIII nêu mục tiêu: Đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để thực hiện mục tiêu rất cụ thể này, Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển KT-XH 10 năm 2021-2030 nêu quan điểm phát triển: “Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; lấy giá trị văn hoá, con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững”.Yếu tố con người và giáo dục đào tạo cũng được coi là một trong các đột phá chiến lược.

Trong lễ tuyên dương học sinh, sinh viên tiêu biểu xuất sắc năm học 2017 - 2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu “Chúng ta nói phải giáo dục toàn diện, tựu chung lại là đức và tài…Trong đó đức phải là gốc, là trước hết”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nói đến giáo dục con người toàn diện đủ 4 mặt: đức - trí - thể - mỹ.

Những quan điểm và mục tiêu vừa nêu đều thấp thoáng bóng dáng của triết lý giáo dục. Nhưng thiết nghĩ những mong muốn về một xã hội Việt Nam tương lai và con người Việt Nam tương lai cần được chỉ ra trong một triết lý giáo dục rõ ràng, tường minh. Chẳng hạn như “học để biết, để tự chủ, tự trọng và tự tôn”.

Sở dĩ nên thêm yếu tố “tự tôn” vì theo cá nhân người viết, tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc sẽ là yếu tố quan trọng để giúp Việt Nam dám ước mơ vươn cao và thực hiện được ước mơ đó. Nói như TS Vũ Mạnh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore: “Những phẩm chất cốt yếu mà thế hệ trẻ cần hun đúc là không ngừng khai sáng về tư duy, chân chính trong lẽ sống, khát khao và thấu đáo trong học hỏi và luôn khắc khoải về một ngày dân tộc mình được ngẩng cao đầu”.

Cuộc khủng hoảng kép trong giáo dục sẽ mất đi nếu chúng ta có triết lý tường minh và những mục tiêu rõ ràng cho giáo dục. Và cái đích lớn hơn không phải là giải quyết khủng hoảng mà đó là đào tạo được những con người đủ sức đưa Việt Nam trở nên hùng cường, “sánh vai được với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong ước.

Nghe bài viết tại đây: