Mấy ngày nay, trên báo, trên các trang thông tin cá nhân liên tục đăng tải, chia sẻ thông tin về chủ trương một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Quảng Nam... có kế hoạch đón người từ vùng dịch thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nguyện vọng trở về quê. Kèm theo đó là kế hoạch, số điện thoại của những người có trách nhiệm để người dân liên hệ. Cùng với nhiều hoạt động tiếp sức, chia sẻ, hướng về người dân trong tâm dịch của các cá nhân, tổ chức trong những ngày qua, chắc chắn đây là thông tin khiến người dân cả nước, đặc biệt là bà con của các tỉnh, thành phố có chủ trương đón người dân trở về thấy vui mừng và ấm lòng nhất.

“Không ở đâu sống dễ như Sài Gòn” là câu cửa miệng của nhiều người. Chỉ cần một tệp vé số trên tay với mấy tiếng đồng hồ trên đường phố đã giúp người già yếu, người vô gia cư có bữa cơm bụi. Nếu có sức khỏe, có chút tay nghề là có thể kiếm được việc làm trong các khu công nghiệp hay một cơ sở tư nhân nào đó. Tất nhiên nhu cầu của mỗi tầng lớp trong xã hội là khác nhau nên “sống dễ” ở đây được hiểu là sự phong phú, đa dạng trong cách lựa chọn công việc kiếm cơm và nếu chỉ để kiếm đủ hai bữa một ngày thì không phải là điều quá khó, khi chăm chỉ lao động.

“Sống dễ” nên thành phố Hồ Chí Minh đã thu hút đông đảo lực lượng lao động từ khắp các tỉnh, thành trên cả nước, từ người bán hàng rong, bán vé số, xe ôm, shipper, đến công nhân, kỹ sư làm việc trong các khu công nghiệp… Chỉ tính riêng 18 khu công nghiệp và khu công nghệ cao của thành phố đã có khoảng 300.000 người đang lao động trong 1.500 doanh nghiệp.

Giữa Sài Gòn phồn hoa đô hội với nhiều tòa tháp cao chọc trời và những con người ăn mặc sang trọng thì vẫn còn đó những cảnh đời nhọc nhằn mưu sinh. Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố, 230.000 là số lượng lao động tự do ở TP. HCM bị giảm sâu thu nhập hoặc mất việc làm, không đảm bảo mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Chưa bao giờ, thành phố đầu tầu về kinh tế của cả nước lại rơi vào khó khăn như hiện nay. Nhiều người tỉnh xa đã bị “kẹt” lại thành phố, những người nghèo thì kiệt sức với tiền trọ, bữa cơm. Trong khi chính quyền thành phố vừa lo chống đỡ với dịch bệnh, vừa lo đảm bảo cuộc sống cho người dân, vừa lo sản xuất.

Với xấp xỉ 10 triệu dân thì cố gắng của riêng thành phố Hồ Chí Minh là không đủ. Vậy nên, mọi sự chung tay, giúp sức lúc này đều rất cần thiết. Chủ trương đón những người có nhu cầu trở về quê hương của Đà Nẵng, Quảng Nam, lo cho họ xe cộ, hỗ trợ chi phí xét nghiệm, ăn uống, đảm bảo nơi cách ly… ngoài tính kịp thời thì đó còn là những quyết định thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình. Trách nhiệm, nghĩa tình khi góp phần chia sẻ khó khăn và áp lực với thành phố Hồ Chí Minh trong công tác phòng chống dịch bệnh và trách nhiệm, nghĩa tình đối với công dân của mình. Trong khốn khó của vòng vây dịch bệnh người dân Quảng Nam, Đà Nẵng đã tìm thấy điểm tựa của mình. Để rồi dù quyết định trở về quê hương hay tiếp tục bám trụ lại thành phố họ cũng thấy yên lòng, ấm áp bởi luôn có sự quan tâm, lo lắng của quê nhà.

Trong cuộc sống yên bình, thật sự rất hiếm khi người dân cần đến sự hỗ trợ của chính quyền, đặc biệt dành cho những nhu cầu tối thiểu. Bởi họ biết tự lo cho nhau và cho mình. Chỉ khi thiên tai, dịch bệnh, không thể tự xoay xở thì lúc đó người dân mới cần đến sự động viên, tinh thần trách nhiệm của các nhà lãnh đạo, của chính quyền. Đây chính là lúc để chính quyền các địa phương thể hiện trách nhiệm với những người con của quê hương mình. Tuỳ vào từng điều kiện cụ thể hãy cố gắng là “điểm tựa cho mỗi người dân”, đừng “quay lưng”, lập hàng rào ngăn cách khi họ tìm về với quê nhà.