Mấy ngày nay, dư luận ồn ào chuyện Hội An thu phí tham quan. Chuyện sẽ chẳng có gì, nếu như UBND thành phố Hội An không quy định bắt đầu từ 15/5, bất cứ du khách nào khi bước chân vào phố cổ Hội An cũng đều phải mua vé thay vì chỉ thu phí riêng ở các điểm di tích đặc biệt như trước, với mức 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng cho khách nước ngoài.

Thu phí tham quan là câu chuyện không mới và thiết nghĩ cũng hoàn toàn hợp lý khi nhiều nơi trên thế giới cũng đang áp dụng theo những cách khác nhau. Tại Trung Quốc, Phượng Hoàng Cổ Trấn - một khu phố cổ nổi tiếng thu phí khoảng gần 500 nghìn đồng/người (hoặc cao hơn), tùy lựa chọn tham quan. Cổ trấn Tây Đường thu hơn 300 nghìn đồng/người. Thành cổ Lệ Giang không thu vé nhưng khuyến khích du khách đóng góp khoảng 300 nghìn đồng phí bảo tồn. Hay như Paris (Pháp) lại yêu cầu các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng… thu thêm 2 euro (hơn 50 nghìn đồng) để nộp vào phí du lịch và du khách có thể thoải mái tham quan các điểm di tích khắp thành phố.

Ở Việt Nam cũng vậy, rất nhiều di tích, di sản thu phí tham quan, thậm chí là với mức giá cao (điển hình như Vịnh Hạ Long). Chúng ta chủ trương “lấy di tích nuôi di tích”, vậy thử hỏi nếu không có khoản tiền đóng góp thông qua mua vé vào tham quan từ khách, liệu có làm được không? Vậy nên cá nhân tôi ủng hộ chuyện thu phí. Nhưng, quan trọng là thu thế nào cho hợp lý, thu thế nào để du khách có thể vui vẻ "móc hầu bao" mà không cảm thấy mình đang bị "tận thu", để thấy đồng tiền mình bỏ ra là xứng đáng.

Với Hội An, thực ra các điểm tham quan không nhiều, chủ yếu là các không gian công cộng. Mà đã là không gian công cộng thì về nguyên tắc thuộc về toàn dân, về tất cả mọi người, không có quyền thu phí (ngoại trừ những điểm tham quan nổi tiếng đều đã có thu phí riêng - theo cách như hiện nay Hội An đang áp dụng). Không chỉ là điểm du lịch, Hội An còn có vai trò của một đô thị, là không gian sinh tồn của một cộng đồng người, phục vụ đủ mọi nhu cầu của đời sống xã hội, do vậy việc khoanh vùng cả thành phố để thu phí cũng cần cân nhắc kỹ.

Đó là chưa nói đến chuyện phân biệt về mức giá: 80.000 đồng cho khách nội địa và 120.000 đồng cho khách nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay thì sự phân biệt này là hoàn toàn không phù hợp. Chưa kể nó còn vi phạm quy định của Chính phủ về việc thống nhất áp dụng mức thu phí, lệ phí tham quan tại các khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Cũng có thể ở một vài điểm tham quan áp dụng giảm giá cho người địa phương nhưng là dựa trên tinh thần người dân sinh sống ở đó và có những đóng góp nhất định cho địa phương, chứ không có chuyện tùy tiện áp các mức vé khác nhau cho cộng đồng du khách nói chung.

Chúng ta vẫn nói nhiều với nhau về câu chuyện vì sao khách du lịch tăng, nhưng thu nhập từ các nguồn chi tiêu của du khách lại sụt giảm nghiêm trọng. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Điều mà Hội An cũng như bất cứ điểm đến nào cần làm lúc này là phải làm sao xây dựng cho được các sản phẩm du lịch thực sự tốt, khiến du khách sẵn sàng chi nhiều tiền hơn. Điểm tham quan chỉ là yếu tố kích thích khách tìm đến, còn du lịch phải hướng tới doanh thu qua dịch vụ tăng thêm, từ nhà hàng, khách sạn, mua sắm… Đó mới là nguồn thu bền vững và là lời mời gọi, níu chân du khách hiệu quả nhất.

Hội An đã, đang trên hành trình tái thiết hình ảnh của một thành phố du lịch thân thiện, vậy nên, việc giữ gìn “thương hiệu” mới là quan trọng. Việc thu phí tham quan nếu không được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng sẽ dễ dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Không chừng vì cái lợi nhỏ trước mắt mà kéo theo cái hại lớn lâu dài.