Nếu lấy mốc sự kiện mà thể thao Việt Nam đánh dấu sự hội nhập mạnh mẽ nhất với thể thao quốc tế là việc nước ta lần đầu tiên đăng cai SEA Games vào năm 2003, đến nay đã gần tròn 20 năm. Và trong quãng thời gian đó, có gần 20 trường hợp VĐV Việt Nam bị phát hiện sử dụng doping khi tham dự các giải đấu quốc tế.

Ngay kỳ SEA Games 2003 đã xuất hiện 4 trường hợp VĐV nước chủ nhà dương tính với doping, gồm Hoàng Hồng Anh (canoeing), Phạm Thị Dịu (lặn), Phạm Toàn Thắng (lặn), Nguyễn Mai Quỳnh (điền kinh). Danh sách này tiếp tục được nối dài, với các gương mặt VĐV cũng tên tuổi hơn nhiều, như lực sỹ cử tạ Hoàng Anh Tuấn – HCB Olympic 2008 (bị phát hiện năm 2010 ở giải thế giới) và trước đó là VĐV thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương, tại chính kỳ Thế vận hội 2008 hay Trịnh Văn Vinh, HCV cử tạ thế giới hạng 62kg, năm 2019 bị cấm thi đấu 4 năm…

Các VĐV Việt Nam, nhất là các tuyển thủ quốc gia đương nhiên phải hiểu hậu quả nếu bị phát hiện sử dụng doping. Không đơn giản là tước huy chương, cấm thi đấu 1 thời gian mà có thể là dấu chấm hết cho một sự nghiệp, lẽ ra có thể làm rạng danh nước nhà. Họ cũng từng được đôn lên nhận huy chương, bởi đối thủ dính doping, ở tất cả các cấp độ Đại hội thể thao quốc tế. VĐV đi bộ nữ Thanh Phúc được trao lại HCV SEA Games 27 do đối thủ người Myanmar sử dụng chất cấm, VĐV điền kinh Quách Thị Lan được đôn lên và giành HCV Á vận hội do nhà vô địch ASIAD 2018 Kemi Adekoya bị cấm thi đấu 4 năm, hủy bỏ kết quả thi đấu sau khi dương tính với doping hay đô cử Trần Lê Quốc Toàn đoạt HCĐ Olympic 2012 sau gần 10 năm vì đối thủ người Azerbaijan “dính” chất cấm.

Việc kiểm soát VĐV sử dụng chất cấm luôn là một nhiệm vụ quan trọng với mỗi HLV hay BHL và đó cũng là một phần trách nhiệm, trong quá trình đào tạo các tuyển thủ. Và dù đầu tư còn hạn chế, ở Việt Nam cũng đã có bệnh viện Y học thể thao từ năm 2007, sau đó 4 năm là sự ra đời của Trung tâm doping và Y học thể thao. Trước đó, từ năm 2004, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Nguyễn Danh Thái đã ký "Tuyên bố Copenhagen về Chống sử dụng chất kích thích trong thể thao" ở Hà Nội, đồng nghĩa với việc công nhận Tổ chức Phòng chống Doping Thế giới (WADA).

Vậy là sau gần 20 năm hội nhập toàn diện với thể thao quốc tế, VĐV Việt Nam vẫn lý giải việc dính doping là bởi “thiếu hiểu biết” cho dù có đủ những bài học và nhiều tấm gương nhãn tiền cả trong và ngoài nước. Nguyên nhân dùng chất cấm, rất rõ ràng là để nâng cao thành tích khi không thể cải thiện bằng tập luyện và đương nhiên là bị lên án, bởi nó làm mất đi sự công bằng, yếu tố tiên quyết trong thi đấu thể thao. Những người dính án doping chắc chắn sẽ bị trừng phạt, ngoài tiền phạt là quãng thời gian cấm thi đấu tính bằng năm và có thể chấm dứt luôn sự nghiệp thi đấu đỉnh cao. Tất nhiên, không nhiều người dám dũng cảm thừa nhân họ dùng doping, lý do dễ dàng nhất là “không biết”, là “tình cờ” sử dụng những loại thuốc có chứa chất cấm…

Sự “ngây thơ” không còn được chấp nhận ở thời điểm hiện tại, khi mọi thông tin về danh mục chất cấm đều được công bố rộng rãi và cập nhật hàng năm. Các VĐV phải tự biết và chịu trách nhiệm khi sử dụng những loại thuốc có nguy cơ chứa chất cấm, mà dễ dàng nhất là tham khảo ý kiến của các bác sỹ đội tuyển hay chuyên gia. Và ngay cả với những HLV, BHL hay quan chức ngành thể thao, cũng không thể chấp nhận đưa ra những lý do mang tính bao che như vậy, bởi đó cũng là một cách tiếp tay cho việc làm sai.

Thể thao đỉnh cao là một cuộc đua tranh quyết liệt, nhưng trong cuộc đua đó, tính công bằng và tinh thần “chơi đẹp” – fair play phải luôn được đặt lên hàng đầu. Và những chức vô địch, những tấm huy chương chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó được trao cho những người thực sự giỏi nhất, xuất sắc nhất sau quá trình khổ công tập luyện. Mọi vi phạm sẽ bị xử lý bằng luật, ở đó không có chỗ cho sự “ngây thơ” và "thiếu hiểu biết".