2 năm đối mặt với làn sóng dịch bệnh Covid-19 tưởng như đã vắt kiệt sức của một đất nước vừa mới thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo. Nhưng dường như càng khó khăn, người Việt lại càng không lùi bước. Điều đó đã giúp Việt Nam vượt qua từng mảng màu u ám, để bước vào năm 2022 với một tinh thần lạc quan, tô lên những sắc màu hy vọng.

Cũng không khó để nhận ra, ngay từ đầu năm, dù dịch bệnh đã được kiểm soát, hoạt động sản xuất, kinh doanh phần nào đã phục hồi nhưng thử thách vẫn chưa dừng bước khi giá xăng dầu, vật tư đầu vào, chi phí sản xuất tăng cao…Đời sống của người dân cũng vì thế mà “chao đảo” theo giá cả lên xuống.

Đặc biệt tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển đổi số và hội nhập quốc tế, sự suy giảm tăng trưởng, dấu hiệu suy thoái kinh tế ở một số quốc gia, khu vực đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta. Điều này dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống của một bộ phận người lao động, trong khi thị trường lao động chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài.

Đáng nói, từ tháng 11, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội, lĩnh vực, thị trường lao động đã có dấu hiệu giảm sút. Tình hình cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên xuất hiện trở lại như thời kỳ phòng, chống dịch Covid-19, nhất là ở những ngành sử dụng nhiều lao động và xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử…

Còn nhớ ở thời điểm đầu năm 2022, vị tư lệnh ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã khẳng định nhiệm vụ bao trùm của ngành trong năm Nhâm Dần chính là 3 chữ “An”: An sinh, An dân và An toàn. 3 chữ “An”, như một mệnh lệnh, một quyết tâm để ngành tập trung vào các giải pháp có tính chất chiến lược, đó là triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất chương trình phục hồi về mặt xã hội, đăc biệt là phục hồi thị trường lao động và phục hồi đời sống của người dân. Đây chính là nền tảng để thực hiện 3 chữ “An”.

Không chỉ có thế, 3 chữ “An” đó còn được khắc hoạ rõ nét hơn ở sự linh hoạt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thể hiện ở việc vừa ban hành chính sách mới, phù hợp với tình hình thực tế vừa gia hạn các chính sách sẵn có để công tác hỗ trợ được triển khai nhanh chóng.

Ngay như những tháng cuối năm vừa qua, khi thị trường lao động gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, phải giảm giờ làm của người lao động, Thủ tướng Chính phủ cũng nhanh chóng nắm bắt tình hình và kịp thời ban hành công điện 1170 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động. Những yêu cầu đặt ra trong Công điện 1170 buộc các địa phương không thể chậm trễ, phải ngay lập tức tìm ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động.

Từ những chính sách "thần tốc" trong soạn thảo, ban hành đến triển khai như vậy cùng một bản lĩnh “dám đương đầu, quyết không lùi bước” để giờ đây chúng ta có quyền tự hào khi đã bước qua 365 ngày với nhiều tín hiệu sáng trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tích cực về con số tăng trưởng của năm 2022. Trong đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong "bức tranh xám màu" với mức tăng trưởng có thể xem là kỳ tích và đứng đầu ASEAN. Ngoài ra Tổ chức Fitch Ratings (Tổ chức xếp hạng tín dụng Quốc tế) cũng đặt niềm tin, sự ngưỡng mộ vào những kết quả phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ của một đất nước Việt Nam nhỏ bé.

Niềm tin của bạn bè quốc tế, niềm tin mỗi người dân Việt Nam đã thực sự trao trọn khi năm 2022 khép lại bằng con số tăng trưởng GDP ước tăng 8,02%, vượt xa mục tiêu đặt ra là 6-6,5% và lập kỷ lục trong hơn 10 năm qua. Một kết quả xứng đáng cho sự nỗ lực, đồng lòng của cả dân tộc. Thật tự hào thay.

Và quan trọng hơn, chúng ta đang tiếp cận gần hơn một hệ thống an sinh xã hội đồng bộ hướng tới tất cả mọi đối tượng, với hai trụ cột cơ bản là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhằm phát triển bao trùm, bền vững và tạo việc làm thỏa đáng cho người lao động, đúng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Năm 2023 chính thức bắt đầu - hành trình 365 ngày sẽ còn tiếp tục những thử thách nhưng giờ đây, Việt Nam đã, đang tạo cho mình một vị thế và tâm thế khác hơn nhiều trong mắt bạn bè quốc tế. Điều đó cho chúng ta tin tưởng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ vững bước hơn trên “con đường” quay lại quỹ đạo phục hồi và tăng trưởng. Các chính sách an sinh, an dân cũng sẽ tạo nên một niềm tin tuyệt đối, nâng cao khả năng chống chịu và truyền cảm hứng cho cả dân tộc để chào năm mới 2023 – về một Việt Nam: Khát vọng – Hùng cường.