Gõ từ khóa "phim tài liệu Việt đi Oscar" lên thanh tìm kiếm Google cho ra 942.000 kết quả sau 0,31 giây; từ khóa "Những đứa trẻ trong sương" cho ra nhiều kết quả hơn một chút - hơn 3.000.000 kết quả sau 0,44 giây; con số tương tự cũng đến với từ khóa "Hà Lệ Diễm".

So sánh một chút, với từ khóa "578 Oscar", chỉ sau 0,31 giây cho ra tới hơn 7 triệu kết quả. Con số chênh lệch quá rõ thể hiện mức độ quan tâm của khán giả đại chúng với 2 phim Việt cùng gửi đi dự Oscar năm nay. Dù "Những đứa trẻ trong sương" là phim tiến sâu hơn, vào tới danh sách rút gọn 15 Phim tài liệu xuất sắc nhất, còn "578: Phát đạn của kẻ điên" bị loại ngay từ vòng đầu tiên hạng mục Phim điện ảnh nói tiếng nước ngoài.

Sự thờ ơ của công chúng và nhà phát hành là nỗi buồn chung của phim tài liệu Việt Nam. Hiện nay, mỗi năm có khoảng từ 50 - 70 phim điện ảnh Việt ra rạp, nhưng số phim tài liệu đến được với công chúng trong nước qua con đường rạp chiếu chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một thập kỷ qua, điểm ra chỉ được vài cái tên như Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Lửa Thiện Nhân, Đi tìm Phong, Bức Tường - Chuyện ngày hôm qua, Những cánh én đầu tiên... Hầu hết trong số những phim đó, lần đầu ra mắt khán giả thường không ở rạp chiếu trong nước, như "Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng" công chiếu ngày 24/3/2014 tại Trung tâm văn hóa Pompidou ở Paris (Pháp) trong khuôn khổ Liên hoan Điện ảnh Hiện thực.

Với các nhà làm phim tài liệu trong nước, con đường đến với rạp chiếu hết sức gian nan. Khi hệ thống rạp chiếu thương mại hoặc có vốn đầu tư nước ngoài chiêm đa số trong thị trường chiếu bóng Việt, họ sẽ chọn những phim giải trí hoặc phim nước ngoài chiếu bởi những tác phẩm đó đảm bảo yếu tố doanh thu. Phim tài liệu, dù xuất sắc đến đâu, nhưng việc trình chiếu ngoài rạp là một rủi ro lớn cho nhà phát hành, đặt trong bối cảnh thị trường chiếu bóng khó lường hiện nay. Đến cả một phim giải trí được giới chuyên môn đánh giá là xuất sắc về mặt kỹ thuật như "Thanh Sói" cũng đang thất bại thảm thê tại rạp, thì nói gì đến một thể loại như phim tài liệu vốn được xem là khó thu hút.

Lùi về quá khứ, những người ở độ tuổi 50 hiện nay vẫn còn nhớ mãi cảnh, người người nhà nhà xếp hàng mua vé ra rạp xem những phim tài liệu xuất sắc từng được chiếu rạp trong thập niên 70 - 80 của thế kỷ 20. Những tác phẩm như "Chuyện tử tế" hay "Hà Nội trong mắt ai" của đạo diễn Trần Văn Thủy từng tạo nên cơn sốt hâm mộ với công chúng phim đương thời. Ngày đó, phần vì ít phim. lựa chọn giải trí thiếu thốn, phần vì đó là giai đoạn hoàng kim của phim tài liệu Việt Nam với vô số giải thưởng quốc tế, nên dòng phim này được khán giả đón nhận nhiệt tình. Đạo diễn Trần Văn Thủy từng được mời đi nói chuyện ở cả trong nước lẫn nước ngoài về 2 tác phẩm tài liệu xuất sắc của mình.

Hình ảnh những hàng dài xếp hàng vào xem phim tài liệu, có làm chạnh lòng những người trẻ theo đuổi con đường "khô - khó - khổ" này?

Có lẽ là có, và có lẽ cũng không! Vì hầu hết những nhà làm phim tài liệu trẻ Việt khi theo đuổi con đường này đều đã xác định, họ không làm phim vì sự nổi tiếng, vì doanh thu. Một đạo diễn trẻ, sau khi nghe tin "Những đứa trẻ trong sương" của Hà Lệ Diễm lọt top 15 Oscar, đã cảm thán trên facebook thế này: "Làm thế nào để ở Việt Nam mà làm phim đến được Oscar? Cứ làm phim vì những câu chuyện, vì con người, đừng làm phim vì tham tiền và háo danh. Dám nghĩ, dám hi sinh, dám làm thứ mà không ai dám, một ngày nào đó bạn sẽ làm được như Hà Lệ Diễm!"

Câu danh ngôn phương Tây: "Stay hungry! Stay foolish" (Hãy cứ khát khao! Hãy cứ dại khờ) có lẽ rất đúng trong trường hợp các nhà làm phim tài liệu Việt Nam hiện nay.