154 người chết và hơn trăm người bị thương trong một lễ hội Halloween mới đây tại phố Itaewon, Thủ đô Seoul, Hàn Quốc là thông tin khiến cả thế giới rúng động. Đây là thảm kịch tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng.

Trong phút chốc, buổi lễ mừng Halloween bỗng biến thành lễ hội chết chóc với nỗi ám ảnh kinh hoàng, khi mọi người "ngã xuống như những quân cờ domino và chồng chất đến ngạt thở”….

Ngay sau vụ việc đáng tiếc xảy ra, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho rằng, đây thực sự là một bi kịch, một thảm họa đáng lẽ không nên có nhưng đã xảy ra ngay giữa trung tâm Seoul.

Một giáo sư của Đại học Seoul cũng đau đớn thốt lên: Đây là một thảm họa có thể được kiểm soát hoặc ngăn chặn. Nhưng nó đã không được quan tâm, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm ngay từ đầu.

Những điều tiếc nuối, giá như….đều đã là quá muộn.

Trong các dịp lễ hội hay tổ chức sự kiện, số người tham dự trở nên đông đột biến tại một khu vực hay một địa điểm là điều rất bình thường. Nhưng ở đó sẽ cần tới trách nhiệm của các nhà chức trách, chính quyền địa phương và người quản lý tổ chức sự kiện.

Nhiều người đặt câu hỏi: Liệu giới chức Hàn Quốc có lường trước được những tình huống như vậy? Có dự phòng hay áp đặt đủ các biện pháp kiểm soát an toàn và quản lý đám đông chưa? Lực lượng cứu hộ có được huấn luyện để ứng phó với đám đông hay không?

Chỉ hai ngày trước lễ hội Halloween, giới chức quận Yongsan, nơi có phố Itaewon, đã công bố những biện pháp đảm bảo an toàn cho sự kiện, gồm quy định phòng chống Covid-19, vệ sinh đường phố, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm ở các nhà hàng và các biện pháp ngăn người dự hội sử dụng ma túy. Tuy nhiên, họ không có bất kỳ phương án, biện pháp nào để kiểm soát đám đông, đồng thời cũng không có tài liệu hướng dẫn của cảnh sát đối với hoạt động tụ tập đông người…

Thông thường, một sự kiện chỉ cần có hơn 1.000 người tham gia thì chính quyền địa phương hoặc cơ quan tổ chức đã phải có kế hoạch và biện pháp an toàn. Vậy mà, đây là sự kiện lớn cấp quận nhưng lại không có người tổ chức cụ thể, thiếu chức năng kiểm soát an toàn...Vậy nên không khó hiểu khi sự cố xảy ra, chính quyền địa phương dễ dàng rơi vào trạng thái bị động, mất kiểm soát...Thậm chí, khi lực lượng cứu hộ tới hiện trường, tình hình thương vong đã nghiêm trọng hơn dự đoán. Lúc này, dù có tăng cường thêm cảnh sát cũng không thể ngăn chặn. Những nhân viên cứu hộ dù có nỗ lực đến mấy cũng là quá tải. Nhìn cảnh họ phải cầu cứu đến sự hỗ trợ của những người xung quanh để cấp cứu nạn nhân cũng đủ thấy sự bất lực của chính quyền trong hoàn cảnh này....Và kết cục thảm họa không ai mong muốn đã xảy ra….

Không chỉ riêng Hàn Quốc và cũng không phải là lần đầu tiên những vụ thảm kịch như thế này xảy ra. Trên thế giới cũng từng chứng kiến nhiều vụ giẫm đạp khiến hàng trăm người thương vong trong các sự kiện tập trung đông người. Ngay cùng thời điểm sự việc ở Hàn Quốc, tại sân vận động Martyrs lớn nhất Thủ đô Kinshasa của nước Cộng hòa Dân chủ Congo, cũng có ít nhất 11 người thiệt mạng và 7 người khác bị thương trong một vụ giẫm đạp xảy ta tại lễ hội âm nhạc của ngôi sao người châu Phi Fally Ipupa.

Nhưng có lẽ, thêm thảm kịch đau lòng này, một lần nữa, đã phơi bày những lổ hổng trong chính sách kiểm soát đám đông của các quốc gia.

Nếu nhìn lại lịch sử các vụ giẫm đạp thảm khốc xảy ra trên thế giới trong thời gian vừa qua có thể thấy rất rõ gần như hầu hết các quốc gia, trong đó có Việt Nam, đều chưa bao giờ dự tính hay có một kế hoạch rõ ràng cho việc này cũng như ban hành các chính sách cụ thể để kiểm soát đám đông. Khi không có quy định về các yêu cầu, điều kiện bắt buộc phải có đối với các sự kiện được tổ chức, thẩm quyền chịu trách nhiệm, thì cũng đồng nghĩa sẽ không có ai chịu trách nhiệm nếu sự cố xảy ra.

Vẫn biết, trên thực tế, mọi việc đều có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát khi có quá đông người tập trung. Nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và được kiểm soát bởi những người có năng lực quản lý, có kế hoạch cụ thể để ứng phó hoặc xây dựng các biện pháp an toàn một cách chặt chẽ thì hậu quả đã có thể được ngăn chặn hoặc chí ít, là được kiểm soát một phần.

Thảm kịch ở Hàn Quốc là nỗi đau thương khó nguôi ngoai và thật đáng buồn khi nó trở thành một sự kiện chết chóc trong lịch sử vì một lý do không ngờ... Nhưng nỗi đau Itaewon chính là bài học đau đớn thức tỉnh các quốc gia, trong đó có chúng ta.