Mới đây, Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành giáo dục Mầm non có đưa ra lộ trình áp dụng (từ năm 2023): mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10) được giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm mưu tiên bằng 0).

Có thể xem Quy chế có một vài thay đổi hy vọng khắc phục được những bất cập trong cộng điểm ưu tiên (khu vực và đối tượng) vượt quá tổng 30 điểm/3 môn và với mong muốn đạt được sự công bằng hơn cho thí sinh.

Việc tính điểm ưu tiên giảm dần từ mốc điểm 22,5 về cách tiếp cận thì khá hợp lý. Nhưng vì sao lại lấy mốc 22,5 điểm là điều khiến nhiều người băn khoăn.

Thực tế, khi kỳ thi chưa diễn ra thì kết quả chung (hay phổ điểm của từng môn thi) chưa thể biết. Trong khi đó, kết quả kỳ thi chịu nhiều yếu tố khá ngẫu nhiên, không phải yếu tố bất định như chất lượng của đề thi, mức độ chuẩn hóa đề thi trên tập hợp tổng quát, ngân hàng đề thi... mà điều này lại phụ thuộc vào trình độ của người ra đề ở các bộ môn khác nhau, khó chuẩn hóa.

Lứa học sinh năm tới có thể có năng lực khác với lứa học sinh các năm trước là điều có thể xảy ra do chất lượng giáo dục chịu ảnh hưởng của môi trường kinh tế, xã hội, dịch bệnh...

Nếu như từ một mốc điểm khác trên hoặc dưới 22,5, nhóm đã cộng điểm ưu tiên tiệm cận với nhóm không được cộng điểm ưu tiên, sẽ là bất công bằng với nhóm thí sinh đã không được tính đến.

Chính vì không kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng nên việc áp đặt mốc điểm 22,5 có thể xem là duy ý chí và thiếu cân nhắc tính hệ thống.

Ngoài ra, mốc điểm là bao nhiêu để bắt đầu tính điểm ưu tiên sẽ tùy thuộc vào tổ hợp điểm các môn xét tuyển, trong khi có tới hàng trăm tổ hợp xét tuyển khác nhau đã được Bộ GD-ĐT công bố. Rất có thể ở một tổ hợp nào đó 22,5 điểm là mức hợp lý nhưng ở tổ hợp khác, mức hợp lý lại không phải là 22,5. Quy chế lúc đó sẽ không khả thi.

Vì tất cả những lý do đó, Quy chế chỉ nên quy định ở một mốc nào đó (không cố định ngay từ đầu) sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT và đặt ra nguyên tắc làm cơ sở cho các trường chủ động gia giảm điểm ưu tiên (theo khu vực, đối tượng) để đảm bảo đủ chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành cũng như có sự công bằng tương đối trong tuyển sinh.

Điều này cũng loại trừ có trường nào đó cố tình cộng điểm ưu tiên vượt trội để tuyển thật nhiều, cạnh tranh không sòng phẳng do cơ quan quản lý khống chế khung tối thiểu.

Một vấn đề khác nữa cũng rất cần lưu tâm là việc quy đổi kết quả kỳ thi đánh giá năng lực ở một số trường ĐH về điểm thi tốt nghiệp là việc làm không khả thi và thiếu logic. Ví dụ, thi đánh giá năng lực các môn khoa học xã hội so sánh thế nào với các môn thi Lịch sử, Địa lý... ở kỳ thi tốt nghiệp THPT?

Để quy đổi điểm thi từ chuẩn đo lường này sang chuẩn đo lường khác đảm bảo sự tương đương về giá trị thì người ta phải có sự tương đồng về cấu trúc nội dung thi, lập nhóm thực nghiệm so sánh đối chiếu số lượng lớn hàng nghìn người và cho thử nghiệm ở hai chuẩn đánh giá, để từ đó mới có sự tham chiếu tương đương.

Đối với ngoại ngữ như thi TOEFL và IELTS người ta cũng phải nghiên cứu thực nghiệm các môn như Đọc hiểu, Viết... với số người tham gia trên 1.000 người của mỗi hình thức thi để xử lý và chỉ ra điểm tương đương của hai hình thức thi tiếng Anh này nhằm mục đích quy đổi và sử dụng.

Vì thế, nếu ta chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng cũng như việc ra đề thi tốt nghiệp THPT như mọi năm (chưa chuẩn hóa) để quy đổi đưa về điểm thi tốt nghiệp THPT thì cách tính điểm ưu tiên cần được xem xét lại.

Thay đổi một chính sách để đảm bảo thêm sự công bằng nhưng nếu thiếu thận trọng, rất có thể tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa.