Có lẽ không có một ngày lễ kỷ niệm ngành nghề nào nhận được sự quan tâm của toàn xã hội như ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Và ngành nghề nào trong xã hội cũng cần thiết nhưng có lẽ không ngành nghề nào đặc biệt được coi trọng như ngành giáo dục mà đội ngũ nhà giáo là trung tâm.

Tinh thần “tôn sư trọng đạo" đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt Nam. Dân tộc ta có truyền thống hiếu học, giàu ý chí tiến thủ, vì vậy người thầy có vị trí tôn quý.

Tại sao nghề giáo lại được coi là nghề cao quý? Bởi đây là nghề chăm lo, giáo dục, dạy dỗ, khơi gợi tiềm năng, phát triển con người – công việc được coi là khó nhất và cao quý nhất.

Nói như lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trong diễn văn kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam: “ Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương cho học trò. Người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực. Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương, quý trọng, nâng niu con người, phải thấu hiểu con người, cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực. Nghề giáo là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như người chở những chuyến đò sang sông …Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt học trò”.

Những yêu cầu đặt ra đối với người làm thầy bao hàm cả tài và đức. Phải giỏi mới dạy được người khác, phải gương mẫu mới khiến người khác cảm phục. Ngày nay, người thầy không chỉ có trách nhiệm truyền thụ kiến thức mà còn phải có khả năng phát hiện năng lực của học trò và có những phương pháp phù hợp để khơi gợi, trau dồi, phát triển những năng lực ấy. Tri thức và nhân cách của người thầy có ảnh hưởng vô cùng lớn đối với học trò vì vậy cho dù ở xã hội nào người thầy luôn có vị thế, vai trò vô cùng quan trọng.

Nhìn lại lịch sử giáo dục Việt Nam, chúng ta dễ dàng nhận thấy, ở thời đại nào, Vua sáng, tôi hiền, đúng sai được rạch ròi phân định, thời đại có những người tài đức đỗ đạt ra làm quan, coi trọng việc học hành thi cử thì thời đại ấy hưng thịnh. Giáo dục, sự học và chất lượng người thầy quyết định sự phồn thịnh hay suy vong của nhiều thời kỳ lịch sử. Và vị trí, vai trò của người thầy có thể lúc này lúc kia chưa được trọng thị đúng mức nhưng vị thế ấy chưa bao giờ bị mất đi.

Sự quan tâm và coi trọng một ngành nghề, một công việc “đặc biệt" thể hiện sự tôn trọng và cả sự kỳ vọng.

Hiện nay với con số trên 1,6 triệu nhà giáo đang làm việc ở cả 2 khối công lập và dân lập và hơn 900 nghìn nhà giáo đã nghỉ hưu vẫn còn nhiều đóng góp cho giáo dục ở nhiều góc độ khác nhau đã và đang đảm nhiệm việc dạy học cho trên 23 triệu học sinh ở các cấp học – các hoạt động giáo dục diễn ra từng ngày, từng giờ với tác động, ảnh hưởng đến hầu hết tất cả các gia đình, các mặt của đời sống xã hội . Con số ấy cho thấy, giáo dục có tầm quan trọng rất lớn nếu không nói là quá lớn đối với chúng ta. Và vai trò, vị thế người thầy cũng cần được đặt trong những bối cảnh mới, những sức ép và những thách thức mới.

Người thầy hôm nay trong xu thế phát triển của tất cả các lĩnh vực văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, khoa học công nghệ… không thể đứng ngoài cuộc, bằng lòng với những gì mình được học, được trang bị khi đã lựa chọn gắn bó với sự nghiệp trồng người. Trước những yêu cầu mới của ngành họ liên tục phải học hỏi, trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp mới để dạy học. Đối tượng học trò hiện nay do xã hội phát triển, thông tin đa dạng và một bộ phận không nhỏ được gia đình nuông chiều nên tính cách thiếu đi sự thuần dưỡng cũng làm cho việc “dạy chữ - dạy người" của các thầy cô trở nên khó khăn vất vả hơn. Mặt khác, cơ chế thị trường cũng khiến cho không ít phụ huynh có cách nhìn nhận chưa đúng về giáo dục, về nhà trường và về thầy cô, điều này làm cho mối quan hệ thầy trò bị ảnh hưởng không nhỏ.

Nhà giáo làm nghề dạy học, nghề vun đắp nuôi dưỡng phát triển con người. Bản thân nhà giáo cũng là con người như những con người khác, chịu những tác động của mọi vấn đề khác diễn ra trong xã hội. Họ cũng phải lo cơm áo, gạo, tiền, lo chăm sóc nuôi dưỡng gia đình và vẹn toàn những mối quan hệ khác như những người làm ngành nghề khác vì mưu cầu cuộc sống. Việc những thầy cô giáo phải làm thêm việc này, việc kia để tăng thu nhập là bất đắc dĩ vì thu nhập từ nghề của họ chưa đủ để bảo đảm cuộc sống gia đình, việc này có lẽ xã hội nên có cái nhìn khách quan hơn thay vì định kiến.

Vai trò, vị thế của người thầy chỉ được tôn vinh khi họ đem lại những thành quả giáo dục thực sự. Trước những yêu cầu mới của lộ trình đổi mới giáo dục, dù khoa học công nghệ có phát triển đến đâu cũng không thay thế được người thầy. Nghề giáo là nghề đòi hỏi cao và chịu nhiều áp lực. Càng được tôn vinh lại càng áp lực. Khi xã hội, phụ huynh, học sinh đặt nhiều kỳ vọng ở người thầy thì với bản thân họ vừa là vinh dự vừa là sức ép. Khi chúng ta đều tin tưởng gửi gắm con cái mình cho giáo dục, cho thầy cô thì cũng cần đặt mình vào vị trí của họ để đồng cảm, để chung tay với họ. Khi giáo dục thực sự là của mọi nhà, của mọi người, khi sự thông cảm, lòng yêu thương được trao cho nhau, sáng tạo được khơi dậy thì chắc chắn kiến thức sẽ được đắp đầy và phát triển.