Người chị viết thư về tâm sự với chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi khi đang phân vân không biết có nên giúp đỡ đứa em trai hỗn láo, đối xử tệ bạc với bố mẹ đẻ. Thính giả và biên tập viên chương trình chia sẻ với cô:

Câu chuyện của bạn làm những người ngoài cuộc như tôi và thính giả chương trình đau lòng, bức xúc thì bạn và mẹ bạn, là người trong cuộc còn tức giận, đau đớn đến mức nào? Có lẽ chẳng có nỗi đau nào hơn khi bị chính đứa con mình rứt ruột đẻ ra, yêu thương, nuôi dưỡng suốt mấy chục năm trời lại hỗn hào và xúc phạm cha mẹ. Thật may vì những ngày cuối đời, bố bạn đã kịp nhận ra sai lầm của mình và sửa chữa nó.

Người ta vẫn bảo cho đi yêu thương thì sẽ nhận lại yêu thương nhưng đôi khi, có người cứ mãi “cho đi” mà chẳng “nhận lại” được gì, giống như bố mẹ bạn vậy. Dĩ nhiên, tình cảm không phải là hàng hóa, không thể trao đổi như 1 món hàng. Nhất là tình cảm máu mủ, sự quan tâm, đối xử chân thành giữa những người thân trong gia đình thì không gì có thể so sánh, càng không thể đánh đổi được. Và có lẽ đối với những người cha, người mẹ thì hi sinh vì con, lo lắng cho con một cách vô điều kiện là điều hiển nhiên. Nhưng tình cảm cũng giống như nước hồ, nếu cứ chảy mãi ra ngoài mà không có nước thêm vào thì rồi cũng sẽ cạn. Thế nên, sau bao cố gắng vun vén, chăm lo cho con mà không nhận lại được tình cảm và sự tôn trọng thì mẹ bạn chán nản, tủi thân, muộn phiền, thất vọng đến mức không muốn sống cùng vợ chồng con trai là điều hiển nhiên. Ai cũng cần được tôn trọng, nhất là những người làm cha, làm mẹ thì càng nên nhận được sự kính trọng của các con, chứ không phải bị coi như người dưng nước lã, chẳng nhận được chút đoái hoài, quan tâm. Và dù pháp luật cho phép, nhưng ở đời chẳng cha mẹ nào muốn kiện con ra tòa để đòi tình yêu thương của nó dành cho mình. Thế nên, vẫn còn nhiều những đứa con bạc nghĩa, bạc tình sống nhởn nhơ… Tất nhiên, chuyện đến nước này, một phần lớn là vì bố mẹ bạn đã quá yêu thương, chiều chuộng con trai.

Tôi không định bàn sâu về những sai lầm mà em trai bạn đã gây ra, vì dù sao chuyện cũng đã rồi, và không thể thay đổi. Đó là cuộc sống của cậu ta, do chính cậu ta lựa chọn. Một đứa trẻ lên 3 trèo leo hay nghịch dại, nếu có ngã, có đau thì cũng là điều mà chúng phải tự chịu. Huống hồ em trai bạn đã trưởng thành. Cậu ta tự làm thì sẽ phải tự chịu mọi điều hay - dở xảy đến trong cuộc đời mình.

Còn về phần bạn, tuy rằng đúng là anh em kiến giả nhất phận thật đấy, nhưng khi đã là khúc ruột trên, khúc ruột dưới thì “anh em như thể chân tay, rách lành đùm bọc, dở hay đỡ đần”. Thế nên, tôi có thể hiểu là bạn đã lo lắng và muộn phiền vì em trai như thế nào khi cậu ta có những hành vi hỗn hào, bất hiếu với cha mẹ như vậy nhưng lại không thể dứt khoát coi như không có đứa em này. Có câu “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”. Thế nhưng cho đến bây giờ, theo như những gì bạn kể trong thư thì cậu ta vẫn không biết là mình đã làm gì, đã gây nên chuyện gì. Cậu ta quay về xin lỗi mẹ bạn cũng không phải vì hối hận về những hành động của mình mà vì không muốn mất mặt với gia đình vợ, muốn được chia phần trong số tài sản của bố mẹ bạn. Người con hỗn láo, người em trai xấc xược liên tục có những lời nói, hành động làm tổn thương người thân của mình thì có xứng đáng được tha thứ? Có xứng đáng với tình yêu thương của mẹ con bạn?... “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”, ai dám chắc sau khi quay về, cậu ta lại không một lần nữa bất hiếu với mẹ, hỗn hào với chị? Thế nên, nếu thực sự muốn tốt cho em mình, mẹ con bạn cần phải đồng lòng, có thái độ dứt khoát và nghiêm khắc để giúp cậu ta nhìn ra lỗi lầm của mình. Mẹ bạn và bạn cần hiểu rằng, sau những hành vi hỗn hào của cậu ta, sự im lặng chính là hại cậu ta chứ không phải “im lặng là vàng”. Vì tình thương, chắc chắn không thể tiếp tục dung túng cho những hành vi hỗn hào, bất hiếu kia.