Một nữ thính giả đã viết thư gửi về chương trình Bạn hãy nói với chúng tôi với nội dung:

"Chồng tôi kể từ khi ra trường tới nay đã thay đổi tới vài chục công ty, không nơi nào làm quá 1 năm, thậm chí chưa hết thời gian thử việc đã bỏ. Do rảnh rỗi, suốt ngày anh ấy chơi với những đứa trẻ chỉ đáng tuổi con mình. Tôi đã giao cho anh mỗi tháng nộp cho mẹ chồng vài triệu tiền ăn và sinh hoạt, thế nhưng đã vài tháng nay anh cũng chẳng đưa. Tôi rất buồn vì lấy phải người chồng như vậy nên đang muốn ly hôn...."

Sau khi phát sóng câu chuyện của nhân vật được phát sóng, chương trình đã nhận được nhiều ý kiến của thính giả đồng cảm với hoàn cảnh của nhân vật . Biên tập viên chương trình "Bạn hãy nói với chúng tôi" cũng có đôi lời tâm sự với nhân vật:

Tôi biết lúc này bạn đang mệt mỏi, bế tắc vì sống với một người chồng “mãi không chịu lớn”. Nhìn những gia đình xung quanh và cả bạn bè, chắc rằng bạn sẽ đặt câu hỏi: Tại sao mọi người không ít thì nhiều đều được nhờ cậy vào chồng, còn bạn thì không được như vậy nên rất chạnh lòng, đúng không? Bất kỳ ai rơi vào hoàn cảnh của bạn cũng đều có suy nghĩ giống bạn. Phụ nữ chúng ta hơn nhau ở tấm chồng, khi mệt mỏi về mặt vật chất lẫn tinh thần đều mong muốn được dựa vào người đàn ông của đời mình, thế nhưng gia đình bạn thì ngược lại, chồng bạn lại đang dựa hoàn toàn vào vợ, thậm chí đùn đẩy hết trách nhiệm gánh vác gia đình sang đôi vai gầy yếu của bạn.

Bạn có nói, khi hai người sống riêng, anh ta đã có thói ỉ lại nên một mình bạn đã phải cáng đáng gia đình. Rồi sức ép cuộc sống khiến 2 vợ chồng không thể sống ở nơi đô thị mà phải chuyển về quê sinh sống. Như vậy, ngay từ khi còn trẻ, chồng bạn cũng không phải là người biết cáng đáng gia đình do đó, khi chuyển về quê, có nơi dựa dẫm, thói ỉ lại, lười nhác lại càng có cơ hội phát huy. Đáng lẽ ở vào tuổi trẻ, mọi người đều phấn đấu lao động, làm việc để có kinh tế phụng dưỡng bố mẹ và cũng là tích lũy khi về già, nhưng chồng bạn lại bỏ mặc tất cả. Điều này có thể khẳng định, anh ấy sống không chỉ là vô tâm mà còn quá ích kỷ với vợ con và với chính người sinh thành ra mình. Bằng chứng là bố mẹ chồng bạn dù đã già, không có nguồn thu nhập nào khác, chỉ trông chờ vào đồng lương hưu ít ỏi nhưng vẫn phải chắt bóp để nuôi một người con đang độ sung sức. Nhiều người sẽ rất xấu hổ khi phải ăn bám bố mẹ già nhưng qua lời bạn kể, tôi thấy chắc anh ấy không có sự liêm sỷ của bản thân khi "sức dài, vai rộng" mà bấu víu vào ông bà già. Càng ngày, thói lười biếng, ỷ lại càng phát huy vì khi thấy mình không làm việc cũng chẳng sao, con cái vẫn có người chăm sóc, vẫn có nơi ở, vẫn được ăn ngon, mặc đẹp….. cùng lắm là chỉ nghe vài lời càm ràm từ vợ hay bố mẹ. Khi thói lười nhác đã trở thành thói quen, anh ấy sẽ chai sạn trước những ánh mắt coi thường của vợ và anh em gia đình.

Bạn có ý muốn bỏ chồng khi anh ấy sống dựa dẫm, tôi cho rằng đây chưa phải là cách nên làm lúc này. Để triệt tiêu thói lười nhác của chồng, không có cách nào khác, anh ấy phải chịu áp lực do chính cuộc sống gia đình tạo ra. Hãy xin phép bố mẹ chồng đi thuê nhà ở riêng và tạo áp lực kinh tế cho anh ấy, khi đó dù anh ấy muốn hay không thì cũng phải đi làm và kiếm tiền nuôi gia đình. Điều này có thể sẽ khiến bạn vất vả thêm khi phải gánh thêm việc chăm sóc con, nhưng vì cuộc sống gia đình, vì sự đổi thay của chồng, tôi nghĩ vất vả này hoàn toàn xứng đáng. Bên cạnh đó, khi đã ở riêng, bạn hãy chia sẻ công việc gia đình cho chồng và cũng để chồng hiểu cuộc sống gia đình là như thế nào, không thể dựa mãi vào bố mẹ được vì sẽ có một ngày, bố mẹ sẽ không còn, chồng phải là chỗ dựa cho bạn và các con. Nếu chồng bạn cùng mong muốn thay đổi thì bạn có thể rõ ràng cho anh ấy một cơ hội cuối cùng này để cả hai không một lần dang dở. Tuy nhiên, sau tất cả những cố gắng của bạn mà chồng vẫn không thay đổi, bạn có thể nghĩ đến việc ly hôn, dù điều này không ai mong muốn nhưng không thể sống mãi bên một người chồng luôn ỷ lại, vô trách nhiệm. Hãy suy nghĩ và cân nhắc thật kỹ để tự đưa ra câu trả lời cho mình bạn nhé. Hy vọng rằng với một vài chia sẻ có thể giúp bạn sớm có cách giải quyết hợp lý.