Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bộ Quốc phòng, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam đã tổ chức cuộc gặp mặt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tham dự buổi gặp mặt có đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước cùng các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương.

Cách đây 70 năm, nắm vững tư tưởng chiến lược “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh mặt trận; trong 56 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đập tan Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Đương của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ.

Với khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", cả nước dồn sức cho chiến trường Điện Biên Phủ. Hơn 55.000 chiến sĩ đã tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo đã được huy động; hàng vạn thanh niên xung phong, ngày đêm mở đường ra mặt trận.

Ngày ấy, bà Bùi Thị Bỉn (huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) là thanh niên xung phong tại đơn vị Cù Chính Lan. Bà được giao nhiệm vụ gánh gạo, quân trang, quân dụng lên Điện Biên Phủ phục vụ chiến dịch. Dù đường xá đi lại khó khăn, hiểm trở, dốc cao, vực sâu nhưng với tinh thần hết mình cho chiến dịch bà luôn hoàn thành nhiệm vụ. Bà Bỉn nhớ lại: có lần người bạn cùng đơn vị với bà bị thương ở chân không thể hành quân tải lương, bà liền xung phong tải thêm phần của đồng đội. Có những chuyến trọng lượng hàng còn nhiều hơn cân nặng của bà thế nhưng nhờ sức mạnh tinh thần, đôi vai gầy của bà đã gánh thành công không biết bao nhiêu chuyến hàng đến nơi an toàn, bà Bỉn cho biết.

CCB Nguyễn Thế Viên ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An năm nay đã bước sang tuổi 94. Ông là người đã từng tham gia cả 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ với nhiệm vụ là phóng viên chiến trường luôn có mặt ở những nơi gian khó và nguy hiểm nhất. Ông Viên kể: “Năm 1951 tôi tham gia lực lượng Thanh niên xung phong thực hiện nhiệm vụ rà, phá bom mìn trên các tuyến đường huyết mạch ở Sơn La để quân đội ta tiến vào Điện Biên Phủ. Năm 1953, tôi được bổ sung vào quân đội và tham gia chiến đấu. Lúc này, chiến sự ở Điện Biên Phủ có nhiều biến chuyển ác liệt nên tôi vừa cầm súng chiến đấu vừa viết tin, viết bài gửi về tòa soạn. Những tin, bài hồi đó còn sơ sài nhưng đều được đăng trên báo Quân đội Nhân dân, góp phần đưa tin nhanh về chiến sự tại Điện Biên Phủ đến với công chúng cả nước”.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, Thiếu tướng Nguyễn Tụ - nguyên Phó giám đốc Học viện Quân y biên chế ở Đại đoàn 316. Khi đó đơn vị ông được giao nhiệm vụ đánh đồi A1, C1, C2. Ngày 31/3/1954, dù nhiệm vụ chưa hoàn thành nhưng bộ phận tiền phương của đội điều trị đã phải thu dung tới gần 1.000 thương binh. Việc cứu chữa thương binh diễn ra trong điều kiện hết sức khó khăn, ác liệt, cơ sở vật chất kỹ thuật thiếu thốn. Nhiều lúc thương binh bị ùn tắc tại giao thông hào chính gây khó khăn cho việc phân loại thương binh.

Thiếu tướng Nguyễn Tụ nhớ lại: "Một lần tôi đi kiểm tra ở khâu phân loại, có khu vực có đến 20 đồng chí hy sinh. Có đồng chí hy sinh vì vết thương quá nặng nhưng có đồng chí không kịp được cứu chữa, nếu chúng tôi làm tốt hơn thì các đồng chí đó đã sống. Nếu không có mặt thì khó có thể tưởng tượng cảnh tượng khốc liệt thế nào”. “Có thời điểm quân y phải đứng mổ 5 ngày, 5 đêm liền hầu như không nghỉ, chỉ kịp nhai cơm nắm sau mỗi ca", vị tướng già trầm giọng.

“Để khắc phục khó khăn nhiều sáng kiến được đưa ra như: chuyển thương theo trạm xá lưu động, nhưng người phải cáng bộ thì phải chuyển thương theo từng cáng. Coi mỗi cáng là một gia đình, có các anh chị em dân công đi phục vụ, khiêng thương binh. Sau khi kết thúc chiến dịch, ròng rã hơn 1 tháng, cuối cùng cũng đưa được hết thương binh về tuyến sau”, Thiếu tướng Nguyễn Tụ cho biết.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thường trực Ban bí thư Trương Thị Mai khẳng định, chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc, ý nghĩa lịch sử to lớn, không những kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945 mà còn mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, lòng tự hào và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Cuộc gặp mặt lần này là hoạt động sâu sắc, thiết thực, thể hiện đạo lý tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" của dân tộc, tri ân các thế hệ đi trước đã hy sinh vì độc lập dân tộc, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc./.