Ngày nay, hội nhập quốc tế sâu rộng nên việc người Việt ra nước ngoài du lịch, lao động, học tập... ngày càng đông. Rất nhiều người đã góp phần đưa văn hóa Việt Nam quảng bá ra thế giới, góp phần làm đẹp thêm hình ảnh đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng, một bộ phận người dân vẫn có những hành động vô ý thức mỗi khi ra nước ngoài như: ăn buffet thừa thãi, giấu đồ ăn vào túi, xả rác bừa bãi, không chịu xếp hàng, trốn vé... khiến cho hình ảnh người Việt trở nên xấu xí, phản cảm trong mắt bạn bè quốc tế.
Không chỉ là những lời cảnh báo được ghi rành rọt bằng Tiếng việt hay có thời điểm có nước còn siết chặt việc kiểm tra an ninh đối với riêng du khách Việt khi đi qua cửa khẩu mà còn có những vụ việc vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết về phong tục tập quán, quy tắc ứng xử của nước sở tại cũng khiến mỗi chúng ta phải suy ngẫm.
Vẫn biết rằng, những hành vi thiếu ý thức này chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh” nhưng đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người Việt bị kỳ thị, xa lánh mỗi khi đi du lịch, du học hay sinh sống ở nước ngoài. Đây chính là hồi chuông cảnh báo về văn hóa ứng xử của một bộ phận công dân Việt.
Ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour cho rằng, trong bối cảnh du lịch được xác định trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, vấn đề ứng xử văn minh khi tham gia du lịch đối với du khách càng trở nên quan trọng. Bởi đây không những là yếu tố giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh tích cực cho du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực tế cho thấy, không chỉ du lịch nước ngoài mà ngay cả trong nước, mỗi dân tộc cũng đã có sự khác biệt về phong tục, luật lệ đòi hỏi mỗi người cần trang bị cho mình sự hiểu biết nhất định để tránh những điều đáng tiếc xảy ra. Chính vì vậy, để thực sự "nhập gia tùy tục”, các tổ chức, cơ sở du lịch cần hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ cho mọi du khách về luật pháp, văn hóa nói chung và những đặc điểm quy định riêng biệt của từng vùng, miền, địa phương và điểm đến nói riêng.
Bên cạnh đó, có những hành vi ở trong nước được xem là bình thường nhưng ở nước ngoài có thể bị quy thành hành vi vi phạm pháp luật. Điều đó cho thấy, mỗi người cần nâng cao ý thức về ứng xử văn hóa nơi công cộng ngay từ chính nơi mình sinh sống chứ không phải đến khi ra ngoài mới bắt đầu học cách ứng xử thế nào cho văn hóa.
Ở nước ta, năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịchgồm hai chương với 12 điều. Bộ quy tắc mang tới sự hình dung rõ nét về thông điệp được gửi gắm, đó là du lịch văn minh - tự trọng - trách nhiệm. Trong đó, quy định về những điều cần làm, không nên làm khi tham gia du lịch được cụ thể hóa đến nhiều đối tượng như: người Việt Nam du lịch trong nước, ngoài nước; khách nước ngoài tới Việt Nam; các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú, phương tiện vận chuyển, điểm mua sắm, tham quan du lịch, cộng đồng dân cư... Những hành vi cơ bản nhất như xếp hàng theo thứ tự, lấy đồ ăn đủ dùng, tuân thủ biển chỉ dẫn... đều được đề cập chi tiết. Thế nhưng, dường như việc tổ chức, tuyên truyền nâng cao văn hóa ứng xử khi đi du lịch vẫn chưa được chú trọng, chưa đi vào thực tế.
Hơn nữa, đã có rất nhiều văn bản quy định pháp lý nhưng những sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra ngay ở trong nước chứ không riêng gì ở nước ngoài. Nhiều chuyên gia cho rằng, đó là do sự quản lý, pháp luật ở trong nước lỏng lẻo, xử phạt không có tính răn đe và ngăn ngừa những hành vi vi phạm. Đôi khi xử lý theo kiểu xuề xòa cho qua, hoặc theo kiểu nội bộ chính là nguyên nhân khiến những hành vi xấu này vẫn còn tồn tại.
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour, để hạn chế, ngăn chặn và tiến tới loại bỏ những hành vi vô ý thức này ra khỏi cộng đồng, để khi ra nước ngoài sẽ không còn ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia thì cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành cũng như ý thức trách nhiệm của mỗi một người dân.
Mỗi dân tộc, quốc gia đều có những đặc trưng văn hóa riêng biệt và quy tắc xử sự khác nhau. Vậy nên, nâng cao ý thức thôi chưa đủ mà đòi hỏi mỗi người phải trang bị cho mình những kiến thức căn bản về văn hóa và tuân thủ luật pháp của nước sở tại.
Bên cạnh đó, cần có chế tài nghiêm khắc, mọi vi phạm ở nước ngoài khi trở về nước phải xử phạt gấp đôi hoặc có thể cấm xuất cảnh có thời hạn… Chỉ khi có những quy định thật nghiêm mới cải thiện hình ảnh của người Việt khi đi ra nước ngoài. Hành xử văn minh mọi lúc mọi nơi - Đó là cách bạn tôn trọng chính mình và đất nước mình.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban Truyền thông và chuyển đổi số Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Tổng Giám đốc Flamingo Redtour: