Hoàn thành nghĩa vụ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sơn, ấp Bình Long, xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang trở về quê hương với thương tật 81%. Dẫu vậy, với những gì đã được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ông vẫn sống lạc quan, làm chỗ dựa cho con cháu, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Một phần thân thể đã để lại chiến trường

Năm 1983, khi vừa tròn 20 tuổi, ông Sơn nhập ngũ tại Sư đoàn 868 ở Đồng Tâm, huyện Châu Thành. Sau đó ông tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, chống nạn diệt chủng mà tập đoàn Pol Pot-Ieng Sary gây ra. Trong 4 năm ròng chiến đấu ác liệt, ăn hầm ngủ bụi, ông bị thương nhiều lần. Lần cuối vào năm 1987, ông bị thương nặng nhất, để lại nơi chiến trường bàn tay trái và những đầu ngón tay của bàn tay phải. Khi đó, ông được đưa về Bệnh viện 175 TP. Hồ Chí Minh điều trị. Lúc này, trên người ông chỉ có chiếc áo không lành lặn và chiếc quần đùi. Sau đó, ông được đưa về an dưỡng tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.

Ông Sơn bồi hồi nhớ lại: "Năm 1985, tôi làm Trung đội trưởng của Đại đội 2, Quân đoàn 4. Trung đội của tôi có hơn 10 anh em, làm nhiệm vụ đi thăm, dò các tuyến đường, đồng thời, chúng tôi cũng trực tiếp cầm súng chiến đấu". Kể đến đây, ông nghẹn ngào: "Hơn 4 năm trời chiến đấu, giữ chốt, khó khăn chẳng thể nào diễn tả hết. Mọi thứ đều thiếu thốn, đi lại vất vả, pháo của địch thì nã suốt ngày đêm. Thật sự, ký ức về những ngày tháng đó còn chưa xa. Đồng đội của tôi người mất, người còn, người bị thương".

Thương binh Nguyễn Văn Sơn còn nhớ như in cái ngày hôm đó: "Hôm ấy, Trung đội của tôi đi thăm đường thì bất ngờ bọn Pol Pot bắn B40. Chúng tôi mới bò vào gốc cây thì trúng phải mìn của chúng đã được gài sẵn phát nổ. Tôi và một số anh em trong Trung đội đã bị thương...". Nghe ông Sơn kể, ai cũng cảm nhận được cảm giác của người thanh niên mới 23 tuổi đời với bao dự định đang ở phía trước đã sốc đến nhường nào trước tình cảnh của mình.

Không đầu hàng số phận

Rời chiến trường, thương binh Nguyễn Văn Sơn trở về đời thường với cánh tay trái cụt gần tới khủy tay, các đầu ngón tay của bàn tay phải không còn, mắt trái bị thương và nhiều vết thương khác trên cở thể. Tuy nhiên, với những gì đã nếm trải khiến ông có ý chí kiên cường và quyết tâm sắt đá. Ông bắt đầu tập làm những công việc đơn giản nhất bằng phần thịt dưới khủy tay. Ông bắt nó phải "cầm, nắm". Ông chia sẻ: "Người ta mất đôi chân, người ta còn khổ hơn mình. Mình còn 1 con mắt, còn đôi chân, còn 1 phần của đôi tay, lẽ nào lại chịu đầu hàng số phận".

Từ đó, ông Sơn bắt đầu cuộc sống mới của mình. Ông mở một tiệm tạp hóa nhỏ tại nhà, rồi hàng ngày tự đạp xe lên các chợ ở Mỹ Tho mua đồ về bán lại. Cảm phục, yêu mến, dù biết trước sẽ phải chịu nhiều khó khăn, trở ngại, thiệt thòi, cô Dương Thị Ngọc Phượng (xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đã đem lòng yêu thương và tình nguyện gắn bó cuộc đời với người thương binh nặng này. Họ về một mái nhà, nương tựa vào nhau, cùng nhau mua bán, trồng lúa, nuôi heo, bò, phát triển kinh tế gia đình. Cô Phượng chia sẻ: "Thấy chú khi ấy dù tàn tật nhưng hiền lành lại chăm chỉ, chịu khó làm ăn, nên tôi bằng lòng gắn bó cuộc đời mình với chú. Lúc mới cưới nhau, cuộc sống của 2 vợ chồng tôi khó khăn vô cùng. Căn nhà thì lụp xụp, cất bằng cây trâm bầu, chỉ cần mưa lớn là có thể đổ sập bất cứ lúc nào. Chúng tôi tích góp mua máy bơm để đi bơm nước mướn theo mùa vụ; rồi mướn thêm 1 ha ruộng làm. Cho nên khi đó, vợ chồng tôi không dám sinh con nhiều, mà chỉ sinh 1 đứa con để nuôi dạy cho tốt".

Với thương binh, ký ức về những tháng ngày chiến đấu ác liệt, nguy hiểm lại tạo thêm nghị lực sống, giúp ông Sơn vượt lên những gian khó của cuộc sống đời thường. Ông bộc bạch, phải sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống, không được may mắn trở về như ông. Chỉ từ 2 công đất ruộng ông bà cho, vợ chồng ông Sơn cần cù, chăm chỉ chăn nuôi heo, bò, tích góp qua nhiều năm, ông đã mua đất xây dựng căn nhà khang trang, mua đất lên vườn trồng thanh long. Hiện tại, ông có hơn 7 công đất trồng thanh long ruột đỏ đang cho trái.

Ở cái tuổi gần 60, đáng lẽ ông Sơn có thể nghỉ ngơi an hưởng tuổi già, thảnh thơi nhìn ngắm thành quả mình làm ra, nhưng người thương binh này vẫn lấy lao động là nguồn vui.

Những năm đầu, do chưa có kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, bệnh dịch thường xuyên xảy ra, nên gia đình ông có lúc thua lỗ. Song, với ý chí kiên cường, không chấp nhận thất bại của người lính, ông kiên trì học hỏi kỹ thuật trồng trọt từ sách báo và các mô hình trang trại hiệu quả, cộng với thực tiễn vừa nuôi vừa đúc rút kinh nghiệm nên các năm tiếp theo, vườn cây thanh long của ông từng bước đem lại thu nhập.

Không chỉ cần cù trong lao động sản xuất, thương binh Nguyễn Văn Sơn còn học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đức tính giản dị, vì cái chung, lo cho dân, không vì tư lợi riêng, nhất là trong phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Ông chia sẻ: "Tôi luôn cho rằng bản thân đã rất may mắn, nên trong các hoạt động xã hội, đền ơn đáp nghĩa ở địa phương, đều cố gắng làm cho tốt. Bản thân tôi lúc nào cũng luôn học tập theo Bác, gắn với cuộc sống hàng ngày, sống vì lợi ích chung, góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bản thân tôi vẫn luôn tin tưởng và làm theo lời Bác Hồ dạy "Thương binh tàn nhưng không phế", không bao giờ ngại khó ngại khổ, quyết tâm vươn lên, chiến thắng ở tất cả các mặt trận".

Nguồn: tiengiang.gov.vn