Nhân kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức gặp mặt toàn thể các thế hệ thầy trò đã từng xếp bút nghiên tham gia nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Đây là dịp để các thế hệ sĩ quan, chiến sỹ quân đội ôn lại những ký ức hào hùng, đáng tự hào cũng như tưởng nhớ về những đồng đội đã hy sinh xương máu cho Tổ quốc.
Trong những năm cuối thập kỷ 60, đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, hưởng ứng lời kêu gọi của đất nước, bao thế hệ thầy trò trường Đại học Bách Khoa Hà Nội lên đường nhập ngũ, hình thành nên một thế hệ sinh viên thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Sau khi nhận lệnh lên đường xuất quân tại Cung văn hóa Lao Động, từ sân vận động Bách Khoa, hay trước sảnh tòa nhà C1, những người lính xuất phát từ trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã tham gia vào các quân binh chủng: bộ binh, pháo binh, cao xạ, tên lửa, xe tăng, hải quân, không quân, công binh...
Phần đông chiến sĩ được biên chế vào các đơn vị chiến đấu như trung đoàn 95, 101, 18 của Sư đoàn 325; 338; 308, trực tiếp tham chiến ở mặt trận Bình -Trị -Thiên. Họ đã tham gia nhiều chiến dịch như Chiến trường Quảng Trị, Thành Cổ 81 ngày đêm năm 1972, Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12/1972, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà ngày 30/4/1975.
Những người lính đã mang theo “Trí tuệ Bách Khoa” vào trong các trận chiến đấu khốc liệt với các công trình khoa học như: cano phá thủy lôi, xe phá bom từ trường, đèn rùa cho xe chạy đêm, hệ thống bơm xăng dầu vượt Trường Sơn, vạch nhiễu tìm thù – bắn rơi pháo đài bay B52, chọc mù mắt thần AC130, vô hiệu hóa tên lửa Sơrai…Trong đó có cựu chiến binh Nguyễn Tiến Đăng là sinh viên khóa 8, Đại học Bách Khoa Hà Nội cầm súng chiến đấu trực tiếp với quân thù từ ngày 20/10/1967, chỉ sau 20 ngày nhập ngũ vào mặt trận.
Lớp lớp chiến sĩ Bách khoa ngày ấy có mặt trên khắp trận tuyến. Trong hơn 10.000 sinh viên lên đường thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía Nam, trên đất Lào, nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Vì độc lập và toàn vẹn non sông, rất nhiều người con Bách Khoa đã chiến đấu anh dũng. 06 người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang, trong đó có anh hùng Trần Thị Kim Cúc. Bà Cúc làm giao liên cho Huyện ủy Hòa Vang từ năm 14 tuổi. Năm 1961, bà được tổ chức phân công làm Đội trưởng Đội công tác đặc biệt để thăm dò tình hình địch, đưa thông tin liên lạc cho cách mạng. Nhiều lần bị địch bắt, tra tấn cực kỳ tàn độc nhưng bà vẫn kiên cường giữ vững khí tiết của người cộng sản. Sau này, bà Cúc thi đỗ vào Khoa Hóa, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự gan dạ, mưu trí của bà đã góp phần tô đậm thêm dấu ấn của “trí tuệ, trái tim và lòng dũng cảm của con người Bách Khoa”.
Trong giây phút gặp mặt thiêng liêng nhưng cũng rất đỗi thân tình, các cựu chiến binh nguyên là giảng viên, sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tự hào về lịch sử oanh liệt. Sau ngày thống nhất, những người lính lại trở về giảng đường, thầy giáo thì tiếp tục giảng dạy, sinh viên thì tiếp tục đi học. Rất nhiều trong số đó trở thành nhà khoa học, giáo sư, cán bộ chủ chốt của các trường đại học như Phó Giáo sư Nguyễn Nhật Chinh, Phó Chủ tịch Hội cựu chiến binh Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Cho đến hôm nay, tượng đài “Xếp bút nghiên lên đường chiến đấu bảo vệ tổ quốc” phía ngoài hội trường C2, trường Đại học Bách Khoa Hà Nội chính là một minh chứng thể hiện rõ tinh thần người lính Bách Khoa ngày ấy. Đó cũng sẽ là lời nhắn gửi tới thế hệ trẻ tiếp bước mang tinh thần “hoa lửa” vào thời đại mới trong xây dựng và phát triển đất nước.