Là một quân nhân nên ông Phạm Mạnh Chiến ở Hà Nội thấu hiểu nỗi đau mà nạn nhân chất độc da cam phải gánh chịu. Do đó, hơn 10 năm nay, ông đã vận động gia đình, bạn bè tặng quà và giúp đỡ hơn 400 nạn nhân, hỗ trợ nuôi nấng 120 cháu là con em thương binh, bệnh binh nhiễm chất độc da cam tại làng Hữu Nghị. Cá nhân ông, tuy chưa phải là giàu có nhưng mỗi tháng cũng dành từ 500.000 đến 1.000.000 đồng để giúp đỡ những người nhiễm chất độc da cam. Trong số những mất mát, đau thương mà chiến tranh để lại thì nạn nhân chất độc da cam là những người đau khổ nhất, nỗi đau truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mình có được cuộc sống như ngày hôm nay thì phải biết chia sẻ, giúp đỡ những phận đời kém may mắn đó- ông Chiến chia sẻ.

Cũng từng bước qua chiến tranh, ông Nguyễn Thành Mậu - Phó Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam thành phố Hà Nội không khỏi xúc động khi nhắc về những người đồng đội đã nằm xuống và những người tuy có may mắn sống sót nhưng lại mang trong mình di chứng của chất độc da cam. “Chúng tôi đều là những người đã đi qua chiến tranh, nhưng mình may mắn hơn đồng đội vì có người hy sinh, người bị thương, người mang trong mình di chứng của chất độc da cam. Tôi muốn làm điều gì đó để giúp đồng đội với tâm huyết và trách nhiệm của mình chứ không phải vì lợi nhuận” - Đó cũng chính là lý do mà hơn 10 năm qua ông Mậu luôn gắn bó với Hội, ngày đêm trăn trở nghĩ cách giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam.

Từng là phóng viên Báo Cựu chiến binh Việt Nam, được đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, cựu chiến binh Trịnh Duy Sơn thấy đồng cảm và thương cho số phận các cháu là nạn nhân chất độc da cam. Từ trong tâm thức của mình, ông luôn muốn được chia sẻ, giúp đỡ những mong làm vơi bớt phần nào nỗi đau để các cháu vươn lên trong cuộc sống. Vì vậy ông đã đứng lên thành lập cơ sở nuôi dưỡng trẻ khuyết tật do nhiễm chất độc da cam/dioxin và coi công việc này như sự 1 đền đáp nghĩa tình đồng đội.

Những ngày đầu khi mới thành lập, cơ sở cũng gặp rất nhiều khó khăn - nhất là về kinh phí hoạt động. Bằng sự cố gắng nỗ lực của mình, đến nay cơ sở từ thiện của ông đã có mức trợ cấp hàng tháng cho mỗi cháu là 500.000 đồng. Ông tâm sự, người bình thường còn khát khao có việc làm huống gì là người khuyết tật. Vì vậy, đến với trung tâm không những các cháu được chăm sóc, nuôi dưỡng, chữa bệnh tận tình mà còn được học các nghề như: thêu, may, vẽ, vi tính…Điều này không những giúp các cháu biết thêm nghề mà còn tạo thu nhập ổn định cuộc sống.

Nỗi đau của nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng là nỗi đau chung của mỗi chúng ta. Vì vậy, hãy thông cảm, sẻ chia và cùng dang rộng vòng tay nhân ái để giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam, dù chỉ là những hành động nhỏ nhất./.