Sau nhiều năm chiến đấu ở Tây Nguyên, ông Lê Hà Thanh ở huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn xuất ngũ với những vết thương trên người và di chứng của chất độc da cam. Sức khỏe kém cùng đồng lương giáo viên ít ỏi của vợ khiến cuộc sống của gia đình ông gặp không ít khó khăn. Dẫu vậy, ông không chán nản, buông xuôi, mà luôn nỗ lực xoay sở, tìm hướng đi mới để ổn định gia đình. Với tinh thần "Thương binh tàn nhưng không phế", trong mọi hoàn cảnh ông đều cố gắng là đầu tàu gương mẫu trong lao động, sản xuất và học tập. Chỉ có lao động mới giúp con người có sức khỏe làm được mọi việc- ông Thanh tâm sự.

Với ý chí quyết tâm như vậy nên sau hơn 40 năm gây dựng kinh tế, từ 2 bàn tay trắng đến nay, gia đình ông đã có của ăn của để. Ngoài khu vườn rộng hơn 4.000 mét vuông trồng các loại cây như: bưởi, cam, quýt, nho thân gỗ... gia đình ông còn trồng ngô, nuôi cá, nuôi gà... tiền lương hưu của 2 vợ chồng mỗi tháng hơn 20.000.000 đồng không phải dùng đến.

Không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ông Thanh còn có nhiều đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Khi xã có chủ trương xây dựng nông thôn mới, ông Thanh đứng lên mua lại hơn 200m đất của 10 gia đình (mỗi mét là 500.000 đồng) có con đường liên thôn chạy qua để hiến cho địa phương, sau đó ông cũng đứng lên xây lại toàn bộ tường bao cho các gia đình, đồng thời ông cũng hiến hơn 300 m đất của gia đình đang trồng cây ăn quả để làm đường, giúp bà con đi lại thuận tiện. Khi con đường làm xong, bà con còn gọi vui là con đường "Lê Thanh".

Tuy tuổi đã cao nhưng với lòng nhiệt tình, năng động, ông Thanh vẫn luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào ở địa phương. "Là đảng viên, mình phải là đầu tầu gương mẫu trước thì bà con mới làm, những gì khó khăn bà con chưa nghĩ đến thì mình phải đi trước, làm trước. Bây giờ chỉ nghĩ làm sao cho làng xóm giàu đẹp là được. Mỗi khi làm được điều gì cho người dân, là khi đó tôi cảm thấy vui vẻ và thoải mái nhất" - ông Thanh chia sẻ.

Nếu như ông Lê Hà Thanh là đại diện cho những thương binh biết tận dụng lợi thế về đất đai để làm kinh tế, cải thiện đời sống thì ông Bùi Văn Kiên lại là người biết vượt lên hoàn cảnh để buôn bán làm giàu. Nhờ khoản trợ cấp thương binh của Nhà nước và vay thêm ngân hàng, ông Kiên mở xưởng xay sát, thu mua và chế biến nông - lâm sản. Sau khi xuất ngũ về địa phương, ông Kiên cũng trồng lúa, trồng ngô. Năm đầu thu được 1 tấn thóc nhưng đem ra chợ không ai mua. Không nản lòng, ông tiếp tục tìm cách làm giàu ngay tại quê hương. Thời điểm đó, người dân địa phương chì biết sản xuất nông nghiệp, đầu ra cho sản phẩm chưa được quan tâm. Vì vậy, ông Kiên quyết định vay vốn để mở xưởng chế biến, thu mua hàng nông sản cho bà con, vừa để phát triển kinh tế vừa để tạo việc làm cho bà con trong vùng- ông Kiên nhớ lại.

Mỗi năm, công ty của ông Kiên sản xuất và tiêu thụ từ 1.000 đến 1.500 tấn hàng nông sản. Không những thế, ông còn mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang một ngành nghề mới, đó là san ủi mặt bằng và làm dịch vụ vận tải. Sau vài năm, từ 2 triệu đồng vốn ban đầu đến nay tổng số vốn đầu tư đã lên đến hàng tỷ đồng. Chia sẻ bí quyết thành công của mình, ông Kiên cho biết: trước tiên, người nông dân phải cần cù, chịu khó. Trước kia kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn thôi nhưng từ khi làm mô hình này kinh tế gia đình phát triển, mua được ô tô, máy xúc, nhà cừa được xây dựng khang trang, con cái được học hành đầy đủ.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn không hiếm những thương binh, bệnh binh giàu nghị lực như ông Lê HàThanh, ông Bùi Văn Kiên. Theo thống kê của Sở Lao động thương binh và xã hội, tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 8.500 người có công, hầu hết những hộ này đều có mức sống từ trung bình trở lên, không có hộ khó khăn. Ông Ma Văn Hoài, Phó Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cho rằng ngoài sự nỗ lực vươn lên của mỗi người, thời gian qua, các ban ngành, đoàn thể cũng luôn hỗ trợ và dành sự quan tâm đặc biệt giúp người có công vươn lên trong cuộc sống.

Tuy mô hình kinh tế của ông Thanh, ông Kiên chưa tiêu biểu so với các mô hình khác nhưng điều quan trọng, là cả 2 ông đều là thương binh, được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước nhưng không ỷ lại mà vẫn tự mình vươn lên, không cam chịu trước số phận. Đó cũng là tinh thần của những người “Thương binh tàn nhưng không phế” như lời Bác Hồ đã dạy./.