Ở xã Hải Hà, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định nhiều người biết cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng, người đã dành nhiều thời gian, công sức đi tìm những liệt sĩ đang nằm nơi rừng sâu, núi thẳm đưa về quê hương. Ông Lã Mạnh Tùng từng là một người lính giỏi của Tiểu đoàn 20 Đặc công (mật danh K20), Trung đoàn 198, Sư đoàn 320C, Quân đoàn 3 vào chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên. Từ năm 1968 đến 1975, Tiểu đoàn 20 đã đánh trên 50 trận, giết hàng nghìn tên Mỹ, ngụy, phá hỏng hàng trăm phương tiện chiến tranh của địch, trong đó ông Tùng không chỉ nổi tiếng về tài nghệ bắn súng B41 cũng như sự gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu. Khi xuất ngũ về địa phương, ông Lã Mạnh Tùng luôn nhớ đến những người đồng đội của mình nằm giữa chiến trường. Sau những lần về chiến trường xưa, thăm gia đình các đồng đội, nghe những người mẹ già liệt sĩ luôn mong mỏi được đón con trở về quê hương, ông đã gác lại việc riêng để trực tiếp tham gia công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Là người lính, ông hiểu rằng khi người lính ngã xuống đều chỉ được chôn cất đơn giản, có khi vừa chôn xuống lại bị bom đạn xóa mất dấu vết đánh dấu, nhiều nơi bị cày xới liên tục nên chỉ có những đồng đội trực tiếp chôn cất hoặc từng trải qua chiến đấu mới tìm ra được hài cốt. Vì vậy, các cuộc hành trình tìm hài cốt đồng đội lần nào của ông Tùng cũng vất vả, gian nan, tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc nhưng ông luôn cố gắng. Có những cuộc tìm kiếm hài cốt kéo dài nhiều ngày không thành công do cảnh vật đã đổi thay, ông Tùng cùng các đồng đội kiên trì trong từng tấc đất để tìm. Sau nhiều năm tham gia công tác tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng và các đồng đội đã tìm, đưa hàng chục hài cốt liệt sĩ quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có nhiều liệt sĩ quê hương Nam Định, làm trọn nghĩa vẹn tình với các đồng đội, những người lính đã cống hiến trọn tuổi trẻ, thanh xuân để bảo vệ quê hương, đất nước.
Cũng giống cựu chiến binh Lã Mạnh Tùng, cựu chiến binh Đoàn Trọng Ấp ở thôn Thanh Khê, xã Nam Cường (Nam Trực) đã có hơn 10 năm đi tìm kiếm liệt sĩ, đồng đội hy sinh anh dũng tại chiến trường Thành Cổ Quảng Trị năm 1972. Vượt lên khó khăn do chiến trường xưa thay đổi, ông Ấp cũng đã tìm thấy 4 người đồng đội của mình cùng chính quyền, đoàn thể và gia đình đưa các anh trở về quê hương. Bên cạnh những người trực tiếp đến tận các chiến trường xưa để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, thì nhiều người dân trong tỉnh cũng tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tìm kiếm, chắp nối thông tin với các gia đình đưa liệt sĩ trở về quê hương. Trang facebook “Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Định” của ông Phạm Ngọc Báo, xóm Liên Hải, xã Bạch Long (Giao Thủy) được thành lập từ tháng 5-2019 hiện thu hút 1.000 người con quê hương quan tâm tìm kiếm thông tin liệt sĩ. Cựu giáo viên Trường THPT Giao Thủy B có cha và cậu là liệt sĩ, nhưng qua mấy chục năm vẫn không tìm thấy thông tin nơi an nghỉ của 2 người. Những ngày nghỉ hưu, ông Báo lên các trang tra cứu thông tin liệt sĩ: thongtinlietsi.gov.vn, nguoiduado.vn… để tìm kiếm cha và cậu mình, đồng thời ông cũng liệt kê danh sách các liệt sĩ quê hương Nam Định gửi các cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, ông đã lập danh sách gần 4.500 liệt sĩ trong tỉnh, nơi an nghỉ để gửi lên Sở LĐ-TB và XH. Ngoài ra, ông còn trực tiếp đến các Phòng LĐ-TB và XH các huyện, thành phố để gửi danh sách, đối chiếu thông tin liệt sĩ. Ông Báo cho biết, qua đối chiếu thì có một nửa số liệt sĩ đã được các địa phương, gia đình quy tập; 1/4 số liệt sĩ thiếu thông tin, cần xác minh và 1/4 liệt sĩ hoàn toàn không xác định được thông tin. Công việc vất vả, nhưng ông Báo vẫn cần mẫn làm việc hàng ngày với máy tính, điện thoại với hy vọng mang lại niềm vui cho gia đình thân nhân liệt sĩ. Mấy năm nay, người dân xã Bạch Long khá quen với hình ảnh ông giáo già, dù tóc đã bạc nhưng vẫn dong duổi chiếc xe máy điện đến từng nhà thân nhân liệt sĩ để báo tin. Nhờ thông tin của ông Báo cung cấp, đã có gần 10 trường hợp ở các huyện: Giao Thủy, Xuân Trường, Ý Yên sau khi đối chiếu, xác minh, thử ADN đã xác định được mộ phần liệt sĩ, được các địa phương, gia đình tổ chức đón nhận về quê hương. Ngoài ông Phạm Ngọc Báo, trang facebook Nghĩa trang Liệt sĩ Nam Định có đông thành viên tham gia với đủ lứa tuổi, ngành nghề cũng tích cực tham gia hoạt động thu thập, kết nối thông tin giúp nhiều gia đình tìm thấy hài cốt liệt sĩ.
Anh Nguyễn Văn Đức là người đang công tác ở Tỉnh ủy Nam Định. Anh có người chú ruột theo giấy báo tử hy sinh năm 1972 tại mặt trận Bình Trị Thiên nhưng gia đình chưa tìm thấy mộ phần. Cứ vào kỳ nghỉ dài ngày, vợ chồng anh Đức lại khăn gói vào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên để tìm kiếm thông tin người chú. Cuộc tìm kiếm thông tin người chú “như mò kim đáy bể”, bởi không phải liệt sĩ nào cũng được quy tụ về các nghĩa trang liệt sĩ. Hơn nữa, nhiều thông tin về liệt sĩ như tên đệm, quê quán, ngày tháng năm sinh, năm mất… không chính xác; nhiều nghĩa trang hiện vẫn còn tập kết các liệt sĩ được tìm thấy trong rừng sâu… Thấu hiểu sự vất vả những thân nhân liệt sĩ, khi đến những ngôi mộ liệt sĩ người Nam Định nào mà chưa có người thân nhận, anh chị đều chụp ảnh, gửi thông tin đến chính quyền địa phương để xác nhận, báo cho người thân của liệt sĩ. Giữa năm 2018, khi đến Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Kom Tum, anh chị được người quản trang nói đến ngôi mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Khảo quê Ý Yên - Nam Hà chưa từng có người đến thăm. Bia mộ chỉ vẻn vẹn mấy chữ ghi tên, quê quán. Thấy vậy, anh chị đã điện hỏi Phòng LĐ-TB và XH huyện Ý Yên xác minh thì được biết, ở huyện có tới 7 liệt sĩ tên Khảo, tuy nhiên chỉ có 2 người họ Nguyễn là Nguyễn Văn Khảo quê xã Yên Trung và Nguyễn Xuân Khảo quê xã Yên Tân. Liệt sĩ Nguyễn Văn Khảo quê xã Yên Trung dù trùng tên nhưng trong hồ sơ của Bộ CHQS tỉnh Kom Tum, trên bia mộ lại khác nhau về năm nhập ngũ, năm hy sinh. Còn liệt sĩ Nguyễn Xuân Khảo quê xã Yên Tân khác tên đệm với người nằm dưới mộ nhưng trùng ngày, tháng nhập ngũ, đơn vị, năm hy sinh giấy báo tử. Anh chị đã liên hệ với lãnh đạo xã Yên Tân xác minh, sau đó gặp gia đình thân nhân liệt sĩ Nguyễn Xuân Khảo. Nhận được thông tin tìm thấy mộ phần em trai, ông Nguyễn Xuân Khảo đã khóc trong hạnh phúc. Mẹ già của ông trước khi mất luôn dặn con cháu phải đưa hài cốt của liệt sĩ Nguyễn Xuân Khảo về quê hương để gia đình hương khói. Sau đó, anh Đức đã hướng dẫn người thân của liệt sĩ Nguyễn Xuân Khảo làm các thủ tục trình các cấp thẩm quyền xem xét, giải quyết. Sau khi có kết quả xét nghiệm ADN chính thức về thân nhân liệt sĩ của Bộ Quốc phòng, gia đình đã báo cáo chính quyền địa phương tổ chức đón hài cốt liệt sĩ Nguyễn Xuân Khảo về an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã.
Khi đất nước được hòa bình, độc lập, Đảng và Nhà nước cùng nhân dân trong cả nước vẫn miệt mài đi tìm những người con ưu tú đã hy sinh thân mình vì nền độc lập dân tộc, đang nằm nơi đất lạnh được về với gia đình, người thân. Hoạt động của những người tích cực tìm kiếm thông tin, mộ phần liệt sĩ trên góp phần duy trì phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta./.
(Theo Baonamdinh.com.vn)