Trở về từ “túi bom” Thành Cổ Quảng Trị

19 tuổi, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, chàng thanh niên Lê Văn Bát, ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội lên đường nhập ngũ. Được biên chế về Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, ông tham gia chiến đấu chủ yếu tại mặt trận Bình Trị Thiên. Đây là một trong những nơi nổi tiếng về sự gian khổ, ác liệt và ngoan cường của quân đội ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong đó, Thành Cổ Quảng Trị còn được ví như một túi bom. Những ngày tháng ác liệt chiến đấu bảo vệ Thành Cổ (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972), trung bình mỗi ngày địch huy động 150-170 lần máy bay phản lực, 70 - 90 lần B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ. Tính ra, với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, nơi phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sỹ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Hàng ngàn chiến sỹ của quân đội ta đã anh dũng hi sinh tại đây. Chàng thanh niên Lê Văn Bát may mắn trở về nhưng cũng đã để lại cánh tay trái nơi chiến trường và tổn thương hại hơn 80% sức khỏe. “Tôi bị thương, mất cánh tay trái trong trận đánh giữ chốt tại đầu cầu sông Thạch Hãn vào ngày 25/8/1973”, thương binh Lê Văn Bát nhớ lại.

Tàn nhưng không phế

Không chỉ thương tật, thương binh Lê Văn Bát còn bị giảm thị lực và nhiễm chất độc da cam. Dẫu vậy, khi đất nước hòa bình, trở về đời thường ông vẫn tiếp tục đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

“Buông tay súng”, ông tham gia và đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Hợp tác xã mua bán, Trưởng công an xã, Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND xã Phù Linh giai đoạn từ 1985-1994. Sau khi nghỉ việc công, ông lại đảm nhiệm chức Trưởng Ban Tổ chức Xí nghiệp cung ứng vật tư, Nhà máy gạch Xinamic và làm việc đến năm 1998. Lúc này, sức khỏe suy giảm, đôi mắt gần như không nhìn thấy gì. Tuy nhiên, trong suốt thời gian nghỉ, ông luôn đau đáu về việc thành lập một tổ chức chính đáng cho người khuyết tật. “Mình được hưởng chế độ, sự quan tâm của Nhà nước cả về tinh thần và vật chất mà vẫn có lúc thấy buồn, thấy thiếu. Vậy thì những người khuyết tật khác họ còn thiệt thòi đến nhường nào”, ông Bát chia sẻ. Từ suy nghĩ ấy, năm 2008, ông Bát cùng một số cá nhân nữa trong huyện đứng ra xin thành lập Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn và làm Ủy viên Ban chấp hành, rồi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Người khuyết tật huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ đó đến nay. Ở cương vị người đứng Hội, ông tiếp tục dành tâm huyết vào việc thành lập Hội Người tật các xã, thị trấn. Trên cơ sở đó, triển khai các mô hình, hoạt động hỗ trợ người cùng cảnh ngộ. Nhiều lớp dạy nghề, bồi dưỡng kiến thức đã được mở ra. Đông đảo người khuyết tật trong huyện được mở mang kiến thức, kỹ năng lao động, sản xuất, thậm chí một số cá nhân còn được hỗ trợ về vốn thông qua các dự án dành cho người khuyết tật để phát triển kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào gia đình và xã hội.

“Điểm tựa” cho người khuyết tật

Nhiều năm nay, nhắc đến thương binh Lê Văn Bát, nhiều người còn coi ông là “điểm tựa” về tinh thần để những người khuyết tật ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội vươn lên. Chị Đinh Thị Quỳnh Nga, ở xã Phù Ninh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một trong số đó. Nếu không may mắn được gặp thương binh Lê Văn Bát, có lẽ giờ đây chị vẫn sống thu mình như một con ốc. “Em bị liệt chân trái. Từ bé em đã bị bạn bè trêu. Có những câu nói mà mình nghe rất đau lòng. Nhiều khi đang đi bộ mà xấu hổ không dám bước đi vì có đám đông phía trước, mình sợ đi tiếp mọi người chú ý đến mình. Khi gặp chú Bát, mình mới có động lực vươn lên. Chú Bát hay kể về chiến tranh, bom đạn rồi chú bị thương tật như thế mà vẫn vươn lên và có nhiều cống hiến. Từ thực tế đó thì mình nghĩ hà cớ gì mình mặc cảm tự ti?!”, chị Nga kể

Từ một phụ nữ sống trong mặc cảm, chị Nga trở thành người lạc quan, năng động. Không chỉ tham gia vào các hoạt động xã hội, còn tự tin bước vào thương trường và đã thành công với mô hình Hợp tác xã. Nhìn lại đường đời đã qua, chị Nga cho rằng mỗi bước đi của chị đều có bóng dáng của một người chị luôn biết ơn và kính trọng. “Mình luôn coi chú Bát như người cha, người chú của mình. Hợp tác xã của mình phát triển được như ngày hôm nay cũng có sự trợ giúp về vật chất, tinh thần rất nhiều từ chú Bát”, chị Nga chia sẻ.

Anh Nguyễn Bảo Ngọc như được hồi sinh từ khi gặp thương binh Lê Văn Bát. Anh kể: năm 2015, sau một tai nạn, anh bị mất chân bên trái. Khi đó, anh luôn sống trong tâm trạng em chán chường. “Nhiều lúc em nghĩ đến cái chết, không muốn người thân của mình vất vả. Đúng thời điểm đó, em gặp và được chú Bát động viên, cho em đi học một lớp tin học, rồi hỗ trợ cả vốn cho em mở cửa hàng in ấn”, anh Ngọc nhớ lại.

Thành công ban đầu với cơ sở in ấn, như được tiếp thêm niềm tin, anh Ngọc mạnh dạn thành lập Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất trà thảo dược. Không ai khác, thương binh Lê Văn Bát chính là người cổ vũ lớn nhất về tinh thần cho anh Ngọc. “Chú Bát từng có nhiều năm làm công tác quản lý với mô hình hợp tác xã. Chú tư vấn và hỗ trợ em rất nhiều. Đến giờ, Hợp tác xã của em có 30 nhân lực, trong đó 26 lao động là người khuyết tật”, anh Ngọc tự hào kể.

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Ngọc cho biết trước khi bị tai nạn, anh chỉ là công nhân cơ khí, không trình độ, không bằng cấp. Ngay cả khi là người lành lặn, anh cũng không nghĩ sẽ có ngày trở thành “ông chủ”. Chính vì thế, anh luôn coi thương binh Lê Văn Bát là “điểm tựa” để anh anh thay đổi số phận, tương lai của mình. “Lúc nào em cũng đinh ninh chú Bát là người cha thứ 2, là người đỡ đầu cho em. Nếu không có nguồn động viên to lớn về tinh thần và sự hỗ trợ về kinh tế từ chú thì em không thể có cuộc sống như ngày hôm nay”, anh Ngọc thổ lộ.