Bệnh nam khoa là nhóm bệnh lý thuộc về bộ phận sinh dục của nam giới gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như đời sống tình dục. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỷ lệ nam giới mắc các bệnh lý về nam khoa đang ngày càng tăng. Trong đó có rối loạn cương dương ở bệnh nhân nam đái tháo đường.

Có thể thấy, rối loạn cương dương xảy ra 50 - 75% ở bệnh nhân nam đái tháo đường, xu hướng sớm hơn so với dân số chung. Tỉ lệ mắc tăng theo tuổi: Khoảng 9% ở lứa tuổi 20 - 29 và tăng lên tới 95% ở lứa tuổi 70.

Hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường sẽ xuất hiện rối loạn cương dương trong vòng 6 năm mắc bệnh, tuy nhiên cũng có thể xuất hiện trước những biến chứng khác. Một số nghiên cứu cho thấy 40% nam trên 60 tuổi mắc đái tháo đường bị rối loạn cương dương hoàn toàn.

Những yếu tố nguy cơ làm xuất hiện sớm rối loạn cương dương bao gồm: tuổi cao, thời gian mắc đái tháo đường, kiểm soát glucose máu kém, hút thuốc lá, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, béo phì và các bệnh lí tim mạch.

Các bác sĩ khuyến cáo việc sàng lọc rối loạn cương dương nên được tiến hành cho các bệnh nhân ở thời điểm chẩn đoán đái tháo đường. Sau đó bệnh nhân nên được đánh giá định kì. Rối loạn cương dương được coi là một dấu hiệu tiềm ẩn các biến cố tim mạch.

Các xét nghiệm cần làm để đánh giá rối loạn cương dương gồm xét nghiệm glucose máu, HbA1c, lipid máu, chức năng thận, Testosteron,FSH, LS, tuyến giáp, Prolactin, PSA, siêu âm tiền liệt tuyến.

Đồng thời, bệnh nhân cũng cần được khám nam khoa: đánh giá tình trạng cơ quan sinh dục viêm nhiễm/ hẹp quy đầu và phỏng vấn đánh giá mức độ rối loạn cương dương.

Để điều trị rối loạn cương dương, trước hết người bệnh cần kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường và điều chỉnh rối loạn lipid máu, tăng huyết áp (nếu có).

Việc sử dụng các loại thuốc điều trị rối loạn cương dương và bổ sung Testosteron cần tuân theo chỉ định và theo dõi của bác sỹ chuyên khoa.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nam giới khi thấy có dấu hiệu của bất cứ loại bệnh nam khoa nào nên đến bệnh viện chuyên khoa khám để chẩn đoán chính xác nhất tình trạng đang mắc phải và có biện pháp can thiệp kịp thời, không nên chủ quan hoặc ngại thăm khám.