Trước đây, chị Lương Thị Thúy ở quận Hoàng Mai, Hà Nội là Trưởng đại diện miền Bắc cho một công ty truyền thông tại TP.HCM. Hai năm trước, dịch Covid-19 bùng phát, công ty làm ăn khó khăn, mô hỉnh kinh doanh bị thu hẹp khiến chị bị mất việc. Sau khi nghỉ việc ở công ty, chị Thúy đã đến Trung tâm Dịch vụ việc làm ở quận Hoàng Mai để nộp hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Hoàn tất thủ tục hồ sơ, chị được nhận 10 tháng trợ cấp, mỗi tháng là 2,8 triệu đồng. Số tiền không quá lớn nhưng phần nào giúp chị Thúy trong lúc khó khăn, mất việc:

"Giai đoạn dịch khó khăn là khó khăn chung. Công ty tôi làm về truyền thông nên ảnh hưởng lớn. Gần như không có việc. Thời gian đầu công ty cũng cố gắng trả lương cho tôi đầy đủ dù công việc bị đình trệ. Nhưng sau công ty càng ngày càng khó hơn nên đã cho tôi nghỉ việc. Có được một khoản trợ cấp nho nhỏ khi ấy cũng đỡ phần nào tiền chợ búa, cơm nước. Người ta vẫn nói một nắm khi đói bằng cả gói khi no nên với mình đó là khoản tiền trợ cấp rất có ý nghĩa", chị Thúy nói.

Cũng ở hoàn cảnh tương tự, anh Nguyễn Văn Huyên ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, sau một thời gian làm việc ở Công ty may, từ tháng 5 vừa rồi, anh phải nghỉ việc do công ty có ít đơn hàng, dư thừa lao động. Trong thời gian chờ có công việc mới, anh đã làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Theo báo cáo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay đã giải quyết cho gần 500 nghìn người hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Với số tiền đóng góp không lớn, bao gồm người sử dụng lao động đóng 1% quỹ tiền lương, tiền công, người lao động đóng 1% tiền lương, tiền công/1 tháng nhưng khi bị thất nghiệp người lao động lại có được một khoản trợ cấp kha khá.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 5 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định, hoặc không quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật Lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.

Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng. Về tiền trợ cấp thất nghiệp thì được chi trả hàng tháng cho người lao động.

Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tại địa phương.

Bên cạnh đó, người hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp còn được hưởng các quyền lợi khác gồm: Hỗ trợ chi phí học nghề thời gian tối đa không quá 6 tháng, tùy theo mức chi phí học nghề của từng nghề và thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp người lao động có nhu cầu học nghề với mức chi phí cao hơn mức hỗ trợ chi phí học nghề theo quy định thì phần vượt quá mức chi phí này do người lao động chi trả, được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí và hưởng chế độ BHYT trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Với những ưu việt đó, nhiều người lao động như anh Hoàng Trường Giang ở huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội nhận thấy rằng, bảo hiểm thất nghiệp chính là chỗ dựa cho người lao động khi bị mất việc làm để có thể ổn định cuộc sống và có điều kiện được học nghề, tìm việc làm mới.

"Do công ty ít việc, lao động thì đông, công ty có chính sách giãn việc, mỗi tháng đi làm cũng không được là bao. Thế là tôi xin nghỉ việc, để tìm công việc khác. Qua hướng dẫn thì tôi lên Trung tâm Dịch vụ việc làm để làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mỗi tháng có mấy triệu cũng giúp có đồng ra đồng vào trong khi chờ được tuyển ở chỗ mới. Tôi thấy đây là chính sách rất nhân văn, hỗ trợ người lao động khi khó khăn", anh Giang chia sẻ.

Có thể nói, chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong những năm qua đã giúp hàng nghìn người lao động giảm bớt khó khăn khi mất việc làm. Đây được coi là chính sách có tính nhân văn, trở thành điểm tựa cho người lao động đảm bảo cuộc sống trước khi tìm được công việc mới./.

Mời nghe bài viết tại đây: