Vá lành những tế bào xã hội đã bị tổn thương

Tai nạn giao thông cách đây tròn 20 năm biến chị Lê Thị Hà ở Hà Đông (Hà Nội) từ một chuyên gia đào tạo bảo hiểm trở thành một trong 6,2 triệu người khuyết tật ở Việt Nam. Chỉ khi phải tập sống một cuộc đời khác, hoàn toàn phụ thuộc vào chiếc xe lăn chị mới biết 2 chữ “nghị lực” thực ra chưa đủ giúp những người như chị vươn lên trong cuộc sống. "Nghị lực, ý chí thì có nhưng làm gì cũng sẽ phải nhờ người nhà" - chị Hà nói.

Bốn năm đầu sau tai nạn, chị Hà không ra khỏi nhà. Chị sợ mình sẽ lạc lõng trong thành phố 8 triệu dân. Khi biết đến Trung tâm Sống độc lập ở Hà Nội, chị Hà có cơ hội gặp gỡ những người cùng cảnh, trò chuyện với các chuyên gia, được nâng cao kỹ năng sống và sống độc lập.

"Bạn hỗ trợ cá nhân của tôi là sinh viên ngành công tác xã hội. Bạn ấy được đào tạo nên làm việc chuyên nghiệp, cởi mở và có kỹ năng"- chị Hà nhớ lại.

Theo kết quả Điều tra quốc gia về người khuyết tật tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và UNICEF công bố ngày 11/1/2019, ở Việt Nam hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên là người khuyết tật. Bên cạnh đó, có gần 12 triệu người (khoảng 13% dân số), sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng xu hướng già hóa dân số.

Công tác xã hội trong trợ giúp người khuyết tật vừa là người nắm bắt, quản lý trường hợp, vừa hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận những dịch vụ tiếp cận phù hợp với từng dạng tật một cách tốt nhất. Trong trường hợp cần thiết, nhân viên công tác xã hội cũng cung cấp hỗ trợ tâm lý cho người khuyết tật và gia đình của họ. Như vậy, khi được đào tạo chuyên nghiệp, có kiến thức, kỹ năng và phương pháp, nhân viên công tác xã hội sẽ trợ giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng người khuyết tật, phục hồi các chức năng xã hội mà họ bị suy giảm. Ở một khía cạnh khác, họ giống như vá lành những tế bào xã hội đã bị tổn thương. Thế nhưng, xã hội ta đang còn thiếu những nhân viên công tác xã hội như vậy!

Kết nối nguồn lực

Nguyễn Thùy Chi quê ở Lào Cai bị bại não (cerebral palsy - CP) từ bé. Thế giới của em xoay quanh chiếc radio cũ, chiếc tivi chập chờn để em tiếp nhận thông tin. Thùy Chi chưa từng gặp cán bộ công tác xã hội nào kể từ khi sinh ra và lớn lên ở quê. "Khi làm hồ sơ để nhận tiền hỗ trợ hàng tháng thì bố em sẽ lên UBND xã" - Chi kể.

Những người như Chi chỉ biết dựa vào chính mình và gia đình theo sự may rủi. May là có gia đình yêu thương, hiểu biết và định hướng đúng đắn, Chi được đi học Đại học ở Hà Nội và giờ cũng đã trở thành cô chủ nhỏ ở Thủ đô.

"Em biết ở một số quốc gia, người yếu thế sẽ luôn có một nhân viên công tác xã hội theo sát từ nhỏ đến lớn. Lúc nhỏ là vấn đề hòa nhập, lớn lên là học tập, việc làm. Nhân viên công tác xã hội là người lắng nghe, hiểu biết, chia sẻ và hỗ trợ gia đình người khuyết tật thực hiện những quyền lợi mà người khuyết tật được hưởng" - Chi chia sẻ.

Ở đô thị và các thành phố lớn, cơ hội tiếp cận cho người khuyết tật thuận tiện hơn. Công nghệ thông tin phát triển giúp họ trở nên dễ dàng tìm thấy nhau và kết nối với các đơn vị cung cấp người hỗ trợ chuyên nghiệp.

Dù ở đâu, người khuyết tật cũng rất cần sự hỗ trợ của nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Theo bà Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập, công tác xã hội là giúp đỡ về mặt vĩ mô. "Đó là hỗ trợ về mặt chính sách, pháp luật, quyền lợi để người khuyết tật tự tin trong chính cộng đồng của mình".

Nghe chương trình tại đây: