Thời gian vừa qua đã có nhiều vi phạm, tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm nói chung, đặc biệt là bảo hiểm xã hội vì động cơ vụ lợi, với số tiền vi phạm như trốn đóng, chậm đóng, chiếm đoạt… lên đến hàng trăm tỉ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động. Khi người sử dụng lao động trốn đóng hay chậm đóng bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng lớn tới người lao động như không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả các chế độ như ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất; thậm chí không thể chốt được sổ bảo hiểm xã hội kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở nơi khác. Đây cũng là ý kiến mà bà Nguyễn Thị Huyền, Quản đốc Phân xưởng may Nhà máy Dệt kim Haprosimex nêu lên khi nói về những khó khăn mà người la động trong công ty gặp phải do chủ sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã trả hết số tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của người lao động sau khi có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và báo chí nhưng người lao động trong công ty vẫn bị ảnh hưởng từ việc trốn đóng bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp. Theo phân tích của ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, việc trốn đóng hoặc nợ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong các doanh nghiệp, tổ chức xã hội không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động, gây thất thu đối với quỹ bảo hiểm mà còn khiến an sinh xã hội không được bảo đảm.

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc do hai chủ thể có nghĩa vụ đóng là người sử dụng lao động và người lao động, trong đó, người sử dụng lao động đóng tổng số 18%, người lao động đóng tổng số 8%. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người sử dụng lao động đã lợi dụng một số quy định của pháp luật còn chưa hoàn thiện, để có hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Phó Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, việc người sử dụng lao động đăng ký và đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp hơn mức thu nhập mà người lao động được nhận trên thực tế xảy ra khá nhiều, nhất là ở các doanh nghiệp tư nhân.

Phân tích nguyên nhân vì sao doanh nghiệp lại cố tình nợ hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội, Phó Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chỉ rõ, doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội về bản chất được lợi nhuận nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp giữ bảo hiểm xã hội để lấy tiền đó kinh doanh, thay vào việc đi vay ngân hàng. Điều này tạo ra sự không công bằng đối với các doanh nghiệp khác.

Thực tế hiện nay, người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội xảy ra nhiều khiến người lao động không được hưởng chế độ như ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động, muốn rút bảo hiểm xã hội một lần cũng không được, về hưu nhưng không lương hưu… Dù vậy, việc xử lý các hành vi vi phạm này vẫn còn nhiều vướng mắc như phân tích của ông Pham Nghiêm Long, Ban Chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Theo ông Long, trên thực tế giữa các quy định của Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Hình sự, Luật Công đoàn vẫn đang có phần nào đó xung đột nên kết quả áp dụng trong thực tiễn chưa hiệu quả.

Còn theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban quản lý Thu - Sổ, thẻ, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, để hạn chế tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội cần có nhiều biện pháp mạnh tay như thực hiện việc phong tỏa hóa đơn hoặc cấm xuất cảnh đối với chủ doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng.

Mặc dù đã có hành lang pháp lý để xử lý các doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên cần có thêm những chế tài mạnh hơn nữa để “siết” tình trạng này. Song song với đó cần phải thay đổi nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động cũng như tăng cường trách nhiệm giám sát của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt để lập lại kỷ cương trong việc tuân thủ pháp luật bảo hiểm xã hội./.