Tại phiên thảo luận tổ chiều 16/5 về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất cần rà soát, cân nhắc lại quy định liên quan đến việc tạm giữ, tịch thu phương tiện vi phạm hành chính để đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu quản lý nhà nước và quyền, lợi ích chính đáng của người dân.

Theo đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, hiện quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính cho phép áp dụng các hình thức xử phạt chínhcảnh cáophạt tiền, trong khi tịch thu phương tiện chỉ là hình thức bổ sung.

Đại biểu Hoa nêu thực tế: “Nhiều người dân vi phạm luật giao thông trong lúc mưu sinh bị thu giữ xe máy - phương tiện duy nhất để kiếm sống. Không chỉ người dân mất phương tiện làm ăn, mà cơ quan nhà nước còn phải tốn chi phí bảo quản, gây lãng phí không nhỏ”.

Bà đề xuất, trong bối cảnh Luật Giao thông đường bộ mới đã đưa vào quy định trừ điểm trên giấy phép lái xe, cần cân nhắc áp dụng biện pháp này một cách mạnh mẽ hơn thay cho việc tạm giữ, tịch thu phương tiện. “Tịch thu phương tiện chỉ nên là biện pháp cuối cùng, khi không còn lựa chọn nào khác”, đại biểu nhấn mạnh.

Chung quan điểm, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc nhanh chóng bán tang vật, phương tiện vi phạm khi không đủ điều kiện bảo quản có thể khiến người vi phạm mất tài sản mà chưa có cơ hội khiếu nại. “Nhiều phương tiện là công cụ mưu sinh, giá trị sử dụng cao nhưng lại bị bán dưới giá trị thực, gây thiệt hại cho người dân”, bà nói.

Đại biểu Sương đề nghị cần hạn chế áp dụng hình phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện, đặc biệt trong điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu bảo quản. “Nhà nước không thể viện lý do thiếu kho bãi mà bán nhanh phương tiện vi phạm, gây ảnh hưởng đến quyền sở hữu của công dân”, bà nhấn mạnh.

Đại biểu Ma Thị Thúy - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang cũng chỉ ra những bất cập trong thực tế tại các địa phương, đặc biệt sau khi tổ chức lại lực lượng công an chính quy về xã. “Hiện nhiều nơi không có kho tạm giữ phương tiện, không có kinh phí bảo quản, dẫn đến việc xử lý rất chậm trễ, ảnh hưởng đến cả người dân và hiệu lực quản lý nhà nước”, bà nói.

Bà đề nghị bổ sung quy định cụ thể, rõ ràng hơn tại Điều 125 và Điều 126 của Luật để tháo gỡ khó khăn trong thực thi, rút ngắn thủ tục hành chính và tránh tình trạng “bỏ lửng” phương tiện bị tạm giữ như hiện nay.

Có thể thấy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính lần này đang nhận được nhiều kỳ vọng từ thực tiễn. Đặc biệt là trong việc cân nhắc các biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đến đời sống người dân, nhất là người nghèo, người lao động.