Tưởng “được tiền” mà hoá ra lại thành mất tiền - chiêu trò “chuyển nhầm” tiền được kẻ xấu thực hiện một cách bài bản, tinh vi, dễ dàng qua mắt những người nhẹ dạ, cả tin và thiếu kiến thức. Theo TS. Đào Trung Hiếu - chuyên gia tội phạm học, đây là 1 phương thức hoạt động mới của tội phạm.

Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã nhận được phản ảnh của 1 số người dân bỗng dưng nhận được 1 khoản tiền nào đó gửi vào tài khoản của mình, sau đó có cuộc gọi đến thông báo là đã gửi nhầm hoặc chuyển nhầm tiền vào tài khoản và cho xin lại. Một số người đã làm theo yêu cầu và kết quả là mất tiền trong tài khoản của mình.

Có những người khi đồng ý trả lại, đối tượng hướng dẫn cho truy cập vào 1 trang nào đó theo 1 đường link, đường dẫn nào đó và kết quả là bị đối tượng hack mất tài khoản. Rồi cũng có những đối tượng sau khi yêu cầu người nhận được tiền trả lại tài sản thì đối tượng tranh thủ khai thác những thông tin về tài khoản và mã OTP.

“Nhiều người rất chủ quan cũng cung cấp mã OTP và kết quả là bị chiếm đoạt số tiền trong tài khoản ngân hàng của mình. Và cũng có những người sau khi đã chuyển trả rồi thì lại đeo 1 khoản nợ mà trước đó mình không hề có giao dịch vay mượn tiền nong của các nhóm cho vay tín dụng qua App. Tức là mình không hề vay tiền nhưng bằng thủ đoạn như vậy đối tượng chứng minh được trên hồ sơ đã có việc mình nhận được tiền gửi từ 1 tổ chức cho vay tín dụng qua mạng. Rất là nguy hiểm.”, TS. Đào Trung Hiếu nhấn mạnh.

TS. Đào Trung Hiếu khuyến cáo người dân, khi nhận được các khoản tiền gửi từ người lạ hoặc gửi từ chủ số tài khoản nào đó mà mình không hề có giao dịch liên quan thì không nên chuyển trả ngay. Động thái khôn ngoan là hãy đến ngân hàng nơi mà mình mở tài khoản in sao kê làm rõ nguồn gốc số tiền đấy gửi từ tài khoản nào. Hoặc đến CQ công an gần nhất, có thể giao nộp khoản tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình cho cơ quan chức năng để phục vụ cho việc xác minh, chứ không nên làm theo yêu cầu của đối tượng.

Trong trường hợp thực sự chuyển nhầm tiền sẽ có đại diện của ngân hàng làm việc với mình chứ không nên gửi trả lại cho người mà bất cứ 1 số máy nào gọi đến thông báo. Khi đã thông qua ngân hàng mà có người gọi đến thông báo, phải yêu cầu họ xuất trình những giấy tờ chứng minh anh chính là chủ tài khoản đã chuyển số tiền ấy đến. Hoặc có thể thông báo tôi đã nộp số tiền này cho công an tại đâu đó để xác minh thì đối tượng sợ ngay, TS. Đào Trung Hiếu hướng dẫn.

Nếu như có người chuyển nhầm đến mà mình chiếm đoạt luôn, mình chi tiêu sử dụng mà chủ tài khoản đòi không trả thì tuỳ theo mức độ, số lượng tiền, người nhận được tiền có thể phạm vào tội chiếm giữ trái phép tài sản. Vì vậy, khi nhận được tiền tốt nhất nên mang đến các cơ quan pháp luật để giao nộp lại chứ chúng ta không nên chiếm giữ, giữ thì đang đúng trở thành sai.