Khi TP.HCM... "siết"

“Tâm dịch” TP. HCM bước vào đợt giãn cách thứ 3 theo tinh thần Chỉ thị 16 của Chính phủ.

“Siết chặt”, "giãn cách triệt để" đâu chưa thấy, chỉ thấy sự lúng túng, thiếu quyết liệt của chính quyền thành phố trong giai đoạn đầu thực hiện. Sự máy móc, cứng nhắc đã vô tình khiến cho công tác chống dịch ở TP.HCM không những không mang lại hiệu quả mà còn đẩy người dân vào thế “đã khó càng thêm khó”.

Giãn cách nhưng dồn ứ đông người tại các điểm xét nghiệm Covid, các chốt kiểm soát dịch.

Giãn cách mà không quan tâm đến thực tế đời sống của người dân, dẫn đến cảnh từng đoàn người ùn ùn bỏ phố trốn chạy về quê bất chấp, mang theo cả những mối nguy dịch bệnh đã được báo trước.

Rồi loay hoay phân định thế nào là hàng thiết yếu - không thiết yếu...

Đó là chuyện của TP. HCM mùa giãn cách - những ngày chưa xa.

Vậy còn hiện tại thì sao? Những ngày qua TP.HCM đã có sự thay đổi trong các hoạt động phòng, chống dịch - dù chậm nhưng tích cực. Có thể kể đến việc lập hệ thống cấp phát lương thực và hàng thiết yếu nhằm giúp người dân không ai bị thiếu đói, rồi kế hoạch tiêm vaccine cho toàn bộ người dân thành phố, kể cả người nhập cư… Có nghĩa là sự chăm lo đã mang tính rộng khắp và thực tế hơn, gần dân hơn.

Dõi theo hành trình chống dịch của TP. HCM những ngày qua, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, ông thực sự mừng trước sự thay đổi này của chính quyền thành phố. Ông phân tích, dù trong hoàn cảnh nào, kể cả cách ly, thì an sinh vẫn phải được đặt lên hàng đầu: "Với người dân - an toàn là điều rất quan trọng. Nếu cảm thấy không an toàn, người dân sẽ chạy khỏi thành phố, và như vậy sẽ khó mà hạn chế được sự lây lan. Và khi đã an tâm, người dân sẽ chủ động thực hiện giãn cách, không chờ phải cưỡng bức".

Chống dịch cần quyết liệt, quyết liệt hơn nữa

Khác với TP. HCM, Hà Nội đã thể hiện sự quyết liệt ngay từ đầu trong công tác phòng chống dịch, ngay khi những chùm ca bệnh đầu tiên xuất hiện. Lãnh đạo thành phố cũng liên tục đưa ra các phương án chủ động để ứng phó với những tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

"Tôi đánh giá cao phương án phòng dịch 'cao hơn 1 cấp độ' của Hà Nội" - TS Nguyễn Sĩ Dũng.

TS Nguyễn Sĩ Dũng đánh giá cao những phương án phòng dịch “cao hơn 1 cấp độ” của Hà Nội. Ông cho đây là sự chủ động cần thiết, và cũng chính nhờ vậy mà đến thời điểm này Hà Nội vẫn đang làm chủ được tình hình, kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ông Dũng cũng rất bất ngờ trước cách làm của Hà Nội trong việc triển khai mô hình “vùng xanh an toàn” tại nhiều khu dân cư, hay còn gọi là “vaccine cộng đồng” phòng dịch Covid-19. "Vùng xanh” thực sự đã phát huy hiệu quả khi đảm bảo không để dịch bệnh lọt vào khu dân cư, nếu có cũng không lây nhiễm chéo trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách.

Rõ ràng, Hà Nội đang cho thấy sự quyết liệt trong việc siết chặt quản lý, giám sát, cũng như thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội.

"Giãn cách là để tránh tụ tập, tránh tiếp xúc, tránh lây lan. Việc áp đặt kiểm tra hàng loạt giấy phép như vậy vô hình chung tạo ra tình thế tụ tập đông người và như vậy là xung đột với mục đích của giãn cách xã hội" - TS Nguyễn Sĩ Dũng.

"Tuy nhiên tôi cho rằng, chủ trương của thành phố thì đúng rồi, nhưng khi thực hiện cụ thể lại có những lúc, những nơi có vấn đề" (đơn cử như câu chuyện giấy đi đường mùa dịch). Do vậy từ góc độ quản trị, tôi cho rằng Hà Nội cần phải có những điều chỉnh trong việc ban hành chính sách. Ở đây, việc phân tích tác dụng của chính sách như vậy theo tôi là chưa đạt yêu cầu, tạo tác dụng ngược" - TS Nguyễn Sĩ Dũng nêu quan điểm.

Sự quyết liệt của cả hệ thống - vì mục tiêu dài hạn

Sự quyết tâm và quyết liệt là điều mà chúng ta đều thấy từ những người đứng đầu Chính phủ, từ cả hệ thống. Trong những ngày cao điểm chống dịch, Chính phủ luôn chỉ đạo sát sao, liên tục đề ra những quyết sách, nhất là đối với các địa phương đang trong “tâm dịch”. Từ việc quán triệt thực hiện giãn cách triệt để “Ai ở đâu thì ở đó”, cho đến những chính sách an sinh ấm lòng người dân mùa dịch như: tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, miễn giảm thuế, điều chỉnh giảm giá cước viễn thông, giá nước sạch…

Chính sự quyết liệt, sát sao đó từ phía Chính phủ đã giúp Việt Nam “đi đúng hướng” và đạt được những thành quả bước đầu, dẫu vẫn biết rằng nhiệm vụ trước mắt là rất lớn và cuộc chiến chống lại đại dịch sẽ còn dài và cần rất nhiều nguồn lực?

Chống dịch là cả một hành trình dài đầy gian nan. Chúng ta không chủ quan, nhưng cũng không vì thế mà sợ hãi. Nhìn lại để bước tiếp. Một lần nữa, sức mạnh đoàn kết, ý thức trách nhiệm của mọi người dân sẽ là điều kiện quan trọng giúp dần ngăn chặn, khống chế dịch hiệu quả - như một lời khẳng định: “Việt Nam chiến thắng dịch Covid-19 không phải là do may mắn”.

Người dân mong muốn Chính phủ, chính quyền các địa phương có những biện pháp quyết liệt hơn nữa. Cộng đồng xã hội và Chính phủ có thể cùng chia sẻ, hy sinh những lợi ích ngắn hạn để sớm kiểm soát và ổn định tình hình vì những mục tiêu dài hạn.