Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang thì kể từ ngày 1/7/2023, mức lương cơ sở áp dụng cho 9 nhóm đối tượng là 1,8 triệu đồng/tháng. Các nhóm đối tượng này công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và lực lượng vũ trang.

Sau 2 năm bị trì hoãn do ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19, đến nay, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng. Theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, việc tăng lương cơ sở lần này rất có ý nghĩa đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang vì mức lương của cán bộ công chức hiện nay khá thấp so với lạm phát, cũng như mức độ sống, đặc biệt là ở khu vực đô thị lớn. Hơn nữa, đây là lần đầu tiên, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh, tăng khoảng 20,8% so với mức lương cơ sở hiện hành.

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến năm 2022 đã có gần 40.000 công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển sang khu vực tư. Tỷ lệ nghỉ việc ở cấp Trung ương là 18% và địa phương là 82%, tập trung nhiều nhất ở ngành giáo dục và y tế. Do đó, việc tăng lương cơ sở lần này được kỳ vọng sẽ tạo động lực giúp người lao động trong khu vực công nâng cao tinh thần làm việc và cống hiến.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui được tăng lương thì người lao động cũng phải đối diện với nỗi lo tăng giá của các dịch vụ và mặt hàng hóa tiêu dùng thiết yếu.

Là một giáo viên mầm non và cũng là một bà mẹ đơn thân đang nuôi hai con nhỏ, chị Nguyễn Thị Tâm ở quận Tây Hồ, Hà Nội cảm thấy rất vui và phấn khởi vì sau 3 năm, lương của chị đã tăng và mức tăng khá cao so với những lần tăng lương trước đây đồng nghĩa với việc chị có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, chị Tâm lại đối diện với một cơn bão mang tên “tăng giá” của các mặt hàng tiêu dùng. "Lương tăng chưa được một tuần thì khi đi chợ, tôi đã thấy giá thực phẩm như thịt, cá, rau xanh đều có chiều hướng tăng giá. Không những thế, tiền điện, tiền nước, tiền xăng xe cũng đều tăng. Lương tăng thêm vài đồng thì chi phí bỏ ra cũng vài đồng, có khi còn hơn. Vậy là đâu lại vào đấy", chị Tâm cho biết.

Không chỉ cán bộ, viên chức, những người lao động tự do hay làm tại các công ty tư nhân như anh Phạm Xuân Việt, một tài xế taxi công nghệ cũng cảm thấy lo lắng khi lương cơ sở tăng. Bởi lẽ, mọi chi tiêu trong gia đình anh đều chịu sự tác động của việc tăng lương. Tuy lương cơ sở tăng song lương của người lao động trong các doanh nghiệp như anh Việt không tăng, trong khi giá xăng dầu tăng khiến thu nhập của anh bị ảnh hưởng.

Khi thông tin tăng lương được đưa ra thì ngay từ tháng 5/2023, tiền điện đã tăng khoảng 3%, tiền nước từ ngày 1/7 cũng tăng khoảng 15 - 30%, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng khác cũng tăng theo. Các trường đại học cũng đã thông báo tăng học phí từ 10 - 20%, tiền học phí các cấp học tăng xấp xỉ hai lần so với mức học phí cũ...Mức lương mới tưởng chừng giúp người lao động có thêm nguồn kinh phí trang trải cuộc sống, nhưng tính kỹ, mức lương tăng thậm chí còn không theo kịp mức tăng giá của hàng hóa.

Không ít chuyên gia cho rằng, việc tăng lương lần này cho cán bộ, viên chức bị chậm so với tốc độ tăng thu nhập của các đối tượng khác trong xã hội và chưa thực sự đáp ứng được đầy đủ những yêu cầu của cuộc sống, chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đưa ra khi tăng lương, đó là cán bộ, viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, chăm lo cho gia đình bằng tiền lương thu nhập chính thức từ cơ quan tổ chức.

Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM chia sẻ bên hàng lang Quốc hội rằng, những năm gần đây, mức sống xã hội tăng cao khiến cho mức lương của công chức, viên chức vẫn luôn thấp hơn mức sống trung bình. Đặc biệt, với những người đã về hưu, dù lương hưu có tăng nhưng thực tế vẫn không đủ để đảm bảo cuộc sống cho họ.

Bên cạnh đó, khi so sánh với các nước trong khu vực đã thể hiện một khoảng cách không nhỏ. Một sinh viên mới ra trường ở Việt Nam có mức thu nhập là 3,48 triệu đồng, còn mức lương trung bình của một công chức là khoảng 10 triệu đồng. Trong khi đó, nếu như quy đổi ra tiền Việt Nam, một công chức của Thái Lan có thu nhập 56,7 triệu đồng, Malaysia là 29 triệu đồng và Campuchia là 17 triệu đồng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nêu thực tế.

Để việc tăng lương thực sự là niềm vui trọn vẹn cho cán bộ, công chức, góp phần nâng cao đời sống, khuyến khích người lao động làm việc thì cùng với việc tăng lương theo lộ trình, cũng cần tăng cường các giải pháp kiềm chế lạm phát, bình ổn giá, kiểm soát chặt về giá. Cùng với đó là những chính sách hỗ trợ người lao động hiệu quả, tương xứng với giá trị sức lao động, tăng cường hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động.

Mời nghe trao đổi của PV VOV2 với nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH Phạm Minh Huân tại đây: