Hiện nay, toàn TP. Hà Nội còn gần 1.600 nhà chung cư cũ đã xây dựng từ những năm 1960, đến nay nhiều nhà đã hư hỏng nặng. Nhưng đến nay, sau hàng chục năm thực hiện, mới có gần 2% số chung cư cũ được cải tạo. Con số khiêm tốn này gây nên sự bất an của những người dân đang sinh sống trong những toà nhà xuống cấp nghiêm trọng. Những khu tập thể ( hay cách gọi khác là nhà lắp ghép) đều đã có niên hạn sử dụng gần nửa thế kỷ, và từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chưa từng một lần được bảo dưỡng, sửa chữa. Thế nên cảnh trần nhà, vôi vữa bong từng mảng, mốc, rêu bám đầy tường, cầu thang không bóng điện…là hình ảnh quá quen thuộc với những người dân sinh sống tại đây

Trong tổng số 1.579 tòa chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội có khoảng 40 nhà tập thể, chung cư cũ ở mức nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm như Khu tập thể Thành Công, Ngọc Khánh (quận Ba Đình); Khu tập thể Tân Mai (quận Hoàng Mai)…

Sau 30 năm sử dụng, Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai đã xuống cấp nghiêm trọng, với nhiều toà nhà phải “chống kèo gác cột”, đặc biệt là tại toà nhà A7 sụt lún, nứt nẻ nghiêm trọng. Hiện tòa nhà này cũng được liệt vào danh sách cấp độ D - công trình hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ, phải sửa chữa lớn, ưu tiên làm ngay. Ông Trần Văn Xuân, người dân Khu tập thể Tân Mai, quận Hoàng Mai cho biết, các hộ dân sống ở đây rất lo lắng về tính mạng của gia đình mình khi sống trong căn hộ xuống cấp và sập xệ như thế này. "Rất mong chính quyền thành phố sớm có biện pháp nâng cấp hoặc xây mới, để chúng tôi có thể an tâm sinh sống”- ông Xuân đề đạt.

Là quận có số chung cư cũ nhiều nhất thành phố Hà Nội, với 535 nhà, đơn nguyên, chiếm trên 18% diện tích đất tự nhiên của quận, thời gian qua, quận Đống Đa đã lên phương án, tập trung rà soát thực trạng chung cư cũ trên địa bàn. Thống kê cho thấy, hầu hết các nhà chung cư, tập thể cũ tại quận Đống Đa đều được xây dựng từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, nay đã xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có thể kể đến Khu tập thể 51 Huỳnh Thúc Kháng, nhiều năm qua đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân ở đây và trở thành “điểm đen” giữa trung tâm thành phố văn minh, hiện đại. Ông Hà Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cho biết, 100% các hộ gia đình tại chung cư cũ 51 Huỳnh Thúc Kháng đã được di chuyển đến nhà tạm cư, được thành phố bố trí tại khu vực Đền Lừ, quận Hoàng Mai để đảm bảo an toàn tính mạng.

Có thể nhận thấy, việc cải tạo, xây dựng mới các khu tập thể cũ thời gian qua diễn ra khá ì ạch do những vướng mắc về cơ chế và thiếu sự đồng thuận của một bộ phận người dân. Trong đó, khó khăn nhất là việc cân đối lợi ích của 3 bên là nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Phía doanh nghiệp, đơn vị đầu tư cũng chẳng mấy mặn mà do lợi ích từ việc cải tạo chung cư cũ không hấp dẫn. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là không gia tăng mật độ dân cư, điều chỉnh quy hoạch hay nâng chiều cao xây dựng. Theo ông Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, việc cải tạo chung cư cũ là nhu cầu rất bức bách của người dân. "Các chung cư cũ là những công trình đang làm xấu đi hình ảnh của thủ đô, khiến đời sống của người dân ở đó không thể đạt chuẩn của cư dân đô thị”- ông Cường nêu ý kiến.

Nhằm “gỡ vướng” cho việc cải tạo chung cư cũ diễn ra rất chậm chạp thời gian qua, UBND TP. Hà Nội vừa có Quyết định phê duyệt kế hoạch phát triển nhà ở, bố trí chỗ ở tạm thời cho người dân trong thời gian thực hiện đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn. Giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội cần trên 16.000 căn nhà tái định cư để thực hiện dự án đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trên địa bàn thủ đô. Ngoài ra, Hà Nội cũng cần khoảng 1.200 căn hộ phục vụ nhu cầu bố trí chỗ ở tạm thời cho các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư trong thời gian thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ. Hiện Hà Nội có 15 dự án đầu tư xây dựng phát triển nhà ở tái định cư, trong giai đoạn 2021 - 2025 có khả năng hoàn thành trên 5.200 căn. Để đảm bảo tính chủ động, TP. Hà Nội sẽ bố trí vốn ngân sách để mua lại một số quỹ nhà ở thương mại phục vụ tái định cư theo phương thức đặt hàng.

Nghe nội dung bài viết tại đây: