Trong những năm qua, mặc dù các quy định, chế tài xử phạt các doanh nghiệp nợ, chậm đóng bảo hiểm xã hội luôn được điều chỉnh nghiêm khắc hơn nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ở nhiều nơi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động. Với những doanh nghiệp bỏ trốn, giải thể, ngừng hoạt động mà còn nợ bảo hiểm xã hội thì người lao động bị “treo” sổ bảo hiểm, đứng trước nguy cơ “mất trắng” quyền lợi.
Theo con số thống kê của cơ quan chức năng, hiện cả nước có hơn 200.000 lao động trong diện bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp phá sản, có chủ bỏ trốn. Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động Xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, con số 200.000 người lao động bị ảnh hưởng nếu xét ở góc độ thị trường lao động thì cũng chưa phải là con số lớn. Nhưng đứng ở góc độ người lao động thì việc để xảy ra tình trạng này là một cú sốc, khiến họ không được chốt sổ bảo hiểm xã hội, không được thực hiện tiếp các chính sách về an sinh xã hội. Và nếu các cơ quan chức năng không giải quyết kịp thời thực trạng này thì quyền lợi của người lao động trong tương lai sẽ còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn.
Giữa năm 2023, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các địa phương giải quyết chế độ hưu trí, bảo hiểm xã hội một lần, ốm đau thai sản, tử tuất cho lao động tại các doanh nghiệp này theo nguyên tắc "đóng đến đâu hưởng đến đó", không cộng thời gian bị nợ. Nếu sau này khoản tiền nợ bảo hiểm xã hội được doanh nghiệp đóng bù hoặc có nguồn tài chính khác bổ sung thì được cộng thời gian này để tính lại mức hưởng và chi trả bổ sung chênh lệch. Tuy nhiên đây cũng chỉ là cách giải quyết trước mắt, tạm thời và quyền lợi của lao động vẫn bị ngắt quãng do doanh nghiệp không đóng.
Để đảm bảo quyền lợi cho những người lao động bị treo quyền lợi bảo hiểm xã hội, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã đưa ra đề xuất chính sách đặc thù đối với nhóm người lao động gặp khó là xóa nợ bảo hiểm xã hội bằng chính nguồn kết dư của quỹ bảo hiểm xã hội và các nguồn dự trữ.
PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, về mặt chủ trương đề xuất này của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là một giải pháp rất nhân văn, vì người lao động. Tuy nhiên bà Hương cũng băn khoăn, thực tế vấn đề xử lý các doanh nghiệp nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, đã có các chế tài rất nghiêm không chỉ thông qua xử phạt hành chính mà phải bằng hình sự, vậy để xảy ra tình trạng này thì trách nhiệm của các cơ quan quản lý như thế nào? Tại sao lỗi của chủ sử dụng lao động và cơ quan chức năng mà giờ lại dùng quỹ để khắc phục hậu quả?
Bên cạnh đó TS Nguyễn Thị Lan Hương cũng khuyến cáo, nếu như chính sách này được triển khai mà không có những quy định chặt chẽ thì rất dễ bị trục lợi, tạo ra tiền lệ xấu, các doanh nghiệp sẽ cứ trây ỳ, nợ đọng, thậm chí không phải do khó khăn kinh tế. Bởi vậy cần phải rà soát thật kỹ để đánh giá tác động chứ không thể vội vàng trong trường hợp này.
Đứng dưới góc độ sửa đổi các quy định luật pháp, để phù hợp với thực tiễn, tại Điều 41 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đề xuất: Trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cơ quan bảo hiểm xã hội xác nhận tạm thời thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu của người lao động làm cơ sở thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Trường hợp tính cả thời gian chậm đóng, trốn đóng mới đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng thì người lao động được lựa chọn nộp số tiền chậm đóng, trốn đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất để đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp tuất hàng tháng hoặc hưởng BHXH một lần cho thời gian đã được xác nhận. Bảo hiểm xã hội sẽ hoàn trả cho người lao động, thân nhân của người lao động số tiền trước đây đã nộp khi thu hồi được số tiền chậm đóng, trốn đóng.
Có thể nói, việc bổ sung quy định đặc thù bảo vệ quyền lợi cho người lao động là cần thiết nhằm kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội...Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, bổ sung theo hướng bảo vệ quyền lợi của người lao động trong bất cứ trường hợp nào cũng được xem xét là đối tượng ưu tiên hàng đầu.
Nghe cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với TS Nguyễn Thị Lan Hương về nội dung này tại đây