Tháng 8 năm 2022, chỉ vì mâu thuẫn nhỏ qua mạng xã hội, hai nhóm thanh niên khoảng 80 người di chuyển bằng xe máy trên Quốc lộ 5, đường Nguyễn Văn Linh, phường Phúc Đồng, quận Long Biên đã mang tuýp sắt gắn dao phóng lợn để đánh nhau. Hậu quả khiến 2 người bị thương. “Bọn cháu chế tạo ra những cái này chủ yếu là để ra oai, dọa cho người khác sợ. Bọn cháu hẹn nhau cầm dao phóng đi đánh nhau”, một trong những đối tượng cho biết.

Chỉ tính riêng trong năm 2022 công an thành phố Hà Nội đã xử lý hình sự gần 600 đối tượng thực hiện hành vi đi xe máy thành từng đoàn, mang theo hung khí, vũ khí đuổi đánh nhau trên đường. Đáng báo động trong số các vụ việc này nhiều đối tượng không thể xử lý vì chưa đủ tuổi truy cứu trách nhiệm hình sự. Thiếu tướng Phùng Đức Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về Trật tự xã hội cho biết “cần phải nghiên cứu điều chỉnh nội dung chính sách ở trong luật quản lý vũ khí, sử dụng vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ vào để xử lý thì mới có tính răn đe cao với các đối tượng, đảm bảo hạn chế hành vi các đối tượng liên quan đến các loại vũ khí này”

Trong những năm gần đây, xu hướng các loại tội phạm sử dụng vũ khí để gây án ngày một gia tăng. Theo thống kê của Bộ Công an, 5 năm qua, toàn quốc phát hiện 28.715 vụ, bắt giữ 48.987 đối tượng sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, các loại dao và phương tiện tương tự dao, trong đó số vụ sử dụng dao và phương tiện tương tự dao chiếm tới 58,6%, vũ khí thô sơ chiếm 29,7%, Các loại vũ khí thường sử dụng phổ biến là các loại súng tự chế, vũ khí thô sơ, dao, kiếm. Nhiều đối tượng dùng dao có tính sát thương cao (dao bầu, dao phay, dao quắm…) để giết người, với tính chất rất manh động, tàn ác.

Có thể nói, dao là công cụ dễ thấy, xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày. Vật dụng này rất dễ biến thành hung khí để gây án. Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Thanh Bình – Công ty Luật Bảo Ngọc, pháp luật hiện hành không quy định dao là một loại vũ khí, hành vi sử dụng dao chỉ bị xử lý khi đối tượng phạm tội hình sự như giết người, cướp tài sản, cố ý gây thương tích… chứ không thể xử lý theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí khi nó chưa được sử dụng vào việc gây án như đối với súng quân dụng hoặc vật liệu nổ.

Mặc dù vậy, nếu quy định dao là một loại vũ khí và xử lý đối tượng sở hữu dao theo hướng tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí thì cũng sẽ phát sinh rất nhiều bất cập và nảy sinh vấn đề mâu thuẫn giữa đời sống xã hội và pháp luật. Như vậy, nếu liệt dao vào loại vũ khí thô sơ thì những hoạt động sinh hoạt thường ngày của người dân ít nhiều cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do vậy, nhà làm luật cần xem xét thật kỹ đề xuất đưa dao vào loại vũ khí thô sơ để đảm bảo tính khách quan pháp luật mà cuộc sống người dân vẫn không bị đảo lộn. Ví dụ có thể chỉ quy định lọai dao có tính sát thương cao là loại vũ khí thô sơ. Cũng có thể quy định thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, cải tạo, lắp ráp, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ, trừ dao có tính sát thương cao nhưng sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt...

Cũng theo Luật sư Phạm Thanh Bình, hiện nay, việc quản lý các loại vũ khí cũng đã được đề cập ở những văn bản pháp luật riêng lẻ, dùng dao sai mục đích như mang dao đến nơi công cộng và gây rối thì bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng thì đã có chế tài, ví dụ như Điểm b khoản 5 Điều 7 Nghị định 144 năm 2021 quy định: Gây rối trật tự công cộng mà có mang theo các loại vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ hoặc công cụ, đồ vật, phương tiện khác có khả năng sát thương thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng; hoặc nghiêm trọng hơn, bị khởi tố về tội Gây rối trật tự công cộng quy định tại Điều 318 BLHS với tình tiết định khu tăng nặng là “dùng, vũ khí, hung khí…” với hình phạt từ 2-7 năm tù; nếu dùng dao gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm với tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm”…

Theo khoản 4 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 thì: “Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu”.

Tuy nhiên, hiện nay pháp luật hiện hành lại chưa có quy định, thế nào là dao có tính sát thương cao; nhưng có thể hiểu dao có tính sát thương cao là những loại dao có độ sắc nhọn, dễ gây tổn thương cho người khác, có kích thước lớn hơn những loại dao sử dụng trong gia đình hoặc dao có kích thước như những loại dao sử dụng trong gia đình nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.

Việc người phạm tội sử dụng các vật dụng thường ngày để làm vũ khí khi thực hiện hành vi phạm tội là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các đối tượng thường lựa chọn những vật có lực sát thương lớn như dao hơn là các đồ vật bình thường khác. Do vậy cũng không thể nói rằng bất kể vật dụng gì từ công cụ sinh hoạt đến sản xuất đều có nguy cơ trở thành vũ khí. Ví dụ như chiếc xe ô tô rõ ràng là một phương tiện đi lại, 1 phương tiện vận tải nhưng cũng có thể trở thành phương tiện phạm tội nếu kẻ xấu cố ý dùng ô tô để giết người như vụ án Nguyễn Tiến Tùng ở huyện Thanh Oai vừa bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội phạt 7 năm tù về tội “Giết người” do đã dùng xe ô tô cố ý đâm vào chị Đỗ Thị Duyên để trả thù. Vì vậy, theo chúng tôi, để đảm bảo tính ổn định xã hội, các nhà làm luật cần tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của các tầng lớp nhân dân – là đối tượng chịu sự tác động của các quy phạm pháp luật để đánh giá tính nghiêm trọng của các loại vật dụng gây nguy hiểm, từ đó đưa ra các quy định cụ thể và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Hiện nay, rất nhiều quốc gia có quy định chặt chẽ trong việc sử dụng dao. Ví dụ như ở tiểu bang Alabama, Hoa Kỳ có “Luật dao” trong đó chia các loại dao thành hai loại: dao hợp pháp và dao trái phép. Trong đó, các loại dao được sở hữu hợp pháp mà không giới hạn bao gồm: dao bỏ túi, dao Bowie, dao bấm, dao săn, balisongs (dao bướm), còn đối với các loại dao trái phép lại không có quy định cụ thể nào. Bên cạnh đó, tiểu bang Alabama còn hạn chế các khu vực mọi người không nên mang theo dao là trường học, tòa nhà chính phủ, tòa án, sân bay và bất kỳ địa điểm nào khác mà vũ khí thường bị cấm. Ở tiểu bang Texas lại có quy định hạn chế mang dao tại các vị trí trường học, tòa nhà chính phủ và phương tiện giao thông công cộng.

Ở Nhật Bản cũng có luật cấm mang theo các loại dao. Đối với loại dao làm bếp, các loại dao là đồ vật cần thiết trong công việc và cuộc sống hằng ngày thì được phép tự do sở hữu. Tuy nhiên việc cầm theo các đồ vật đó mà không có lý do chính đáng đi ngoài đường thì bị cấm. Pháp luật Nhật Bản còn quy định đối với các loại dao có phần lưỡi dài hơn 6cm thì “nếu không có lý do chính đáng liên quan đến công việc hoặc mục đích khác thì không được phép mang theo bên người”.

Mối quốc gia, mỗi tiểu bang đều có những quy định riêng đối với các loại dao. Nhìn nhận chung, các quốc gia nói trên có phân chia cụ thể các loại dao hợp pháp được phép mang theo bên mình và các loại dao bị hạn chế đi đến những khu vực công cộng nhất định. Vì vậy, Việt Nam cũng nên quy định cụ thể, rõ ràng loại dao nào được sử dụng hợp pháp thường ngày và những loại dao với những đặc điểm như thế nào nên được kiểm soát trong hoạt động mua bán. Như vậy mới có thể đảm bảo được tính toàn diện trong việc phòng ngừa tội phạm lẫn trong sinh hoạt đời thường./.

Mời nghe chương trình tại đây: