Hiện kênh Youtube và TikTok của chủ tài khoản Thơ Nguyễn đã gỡ clip xin "vía" học giỏi cho học sinh từ búp bê.

Đại diện cơ quan quản lý, ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh-Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, ngay hôm qua (10/3), Cục đã phối hợp với đơn vị nghiệp vụ của Cục An ninh Chính trị nội bộ (Bộ Công an) tìm địa chỉ và số điện thoại của Thơ Nguyễn để mời lên làm việc vì có dấu hiệu tuyên truyền mê tín dị đoan, tuy nhiên, Thơ Nguyễn chưa hồi đáp.

Một nửa sự thật không còn là sự thật

Sau khi vấp phải làn sóng phẫn nộ từ phụ huynh, ngày 09/3 Thơ Nguyễn đã đăng status giải thích. Lời giải thích xuyên suốt của Thơ Nguyễn đều vin vào "nhân duyên" và trách "mọi người không xem đầy đủ nhưng vội đánh giá em".

"Em luôn tin, tất cả những thứ trên đời đều là nhân duyên, giống kiểu việc em làm clip giả những người nuôi Kumanthong trên tiktok cho các bạn 13+ xem em cũng nghĩ là nhân duyên, việc em nói ra kumanthong là mê tín dị đoan cũng là nhân duyên, em tin duyên em tới lúc phải nói. Điều khiến em buồn là những thứ em làm mọi người hiểu theo nghĩa khác đi và mọi người không xem đầy đủ nhưng vội đánh giá em".

Chuyên gia bảo vệ trẻ em, Thạc sĩ Nguyễn Phương Linh (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) cho rằng, tuy TikTok dành cho trẻ lớn hơn, từ 13 tuổi nhưng clip của Thơ Nguyễn đăng là phản khoa học, phản giáo dục và không nên tồn tại.

"Dù giải thích là clip bị tách ra làm đôi thì tôi nghĩ không phù hợp, đã chắc gì người ta đã xem cả 2 clip của Thơ Nguyễn. Một nửa sự thật đã không còn là sự thật" - chuyên gia Phương Linh khẳng định. Hiện gia đình chị cũng đã cài đặt để không cho con nhỏ xem kênh Thơ Nguyễn.

Kênh Youtube của Thơ Nguyễn có gần 9 triệu người theo dõi. Đây là con số trong mơ của nhiều Youtuber.

Trong đoạn clip trên TikTok, nữ YouTuber nổi tiếng ôm một con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, vẻ mặt nghiêm trọng và tự xưng "mẹ", gọi búp bê là "con". Thơ Nguyễn hướng dẫn việc cầu "vía" học giỏi bằng cách cho búp bê uống Coca. Sau 6 giờ đã nhận 6.000 lượt tương tác, 4.400 lượt bình luận và 1.600 lượt chia sẻ.

Luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc công ty Luật Minh Bạch thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng: "Với hành vi đưa clip có chứa nội dung mê tín dị đoan như của Thơ Nguyễn, xét về góc độ pháp luật, tôi phải khẳng định đây là hành vi vi phạm pháp luật. Xét dưới góc độ xã hội thì đối với một nội dung nhảm nhí mang tính chất mê tín dị đoan mà lại là kênh chuyên dành cho trẻ nhỏ thì đây là một điều không thể chấp nhận được đối với youtuber này".

Một làn sóng tẩy chay kênh youtube của Thơ Nguyễn đang diễn ra. Nhiều phụ huynh cho biết clip xin "vía" từ búp bê của Thơ Nguyễn là giọt nước tràn ly. Các video khác của kênh này nội dung nhảm nhí, không mang tính giáo dục.

Bủa vây các clip phản cảm trên mạng

Luật sư Trần Tuấn Anh cho biết: "Đối với hành vi vi phạm pháp luật này của Thơ Nguyễn thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại NĐ15/2020 với mức xử phạt từ 5-10 triệu đồng, cụ thể với nội dung là đưa thông tin có chứa nội dung mê tín dị đoan lên không gian mạng. Trong trường hợp hành vi này gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc youtuber này đã bị xử phạt hành chính về hành vi đưa thông tin trái phép lên mạng xã hội mà còn tiếp tục hành vi thì nó có dấu hiệu cấu thành của tội phạm là đưa thông tin trái phép lên mạng của điều 288 Bộ Luật Hình sự. Với hành vi này có thể bị xử phạt tù cao nhất lên tới 7 năm. Ngoài ra, người thực hiện hành vi có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề trong thời hạn từ 1-5 năm".

Nhà chức trách đang liên hệ làm việc với tài khoản Thơ Nguyễn để làm rõ vụ việc. Thế nhưng, thực tế không chỉ "Thơ Nguyễn", có nhiều clip, ấn phẩm phản cảm, độc hại đầy rẫy trên không gian mạng.

"Nếu không phải Thơ Nguyễn thì có lẽ còn Thơ Trần, Thơ Lê...Tức các tài khoản bắt chước để câu like, câu view. Môi trường trên mạng phức tạp thế nên cần sự lên án các kênh chứa nội dung lệch chuẩn, không phù hợp lứa tuổi" - chuyên gia Nguyễn Phương Linh bày tỏ.

Gần đây nhất, tháng 10/2020 vụ việc bé gái 5 tuổi (TPHCM) học theo trò chơi treo cổ trên Youtube dẫn đến tử vong đã gây rúng động dư luận. Chị N (dì của bé) cho biết, chỉ một vài phút người lớn không để ý, D đã học theo trò chơi trên Youtube bằng cách lấy một chiếc khăn voan buộc vào thành giường tầng trong phòng ngủ và tự treo cổ mình. Khi được người nhà phát hiện, bé đã rơi vào trạng thái bất tỉnh.

Anh Nguyễn Thanh Bình (Ninh Bình) bức xúc: "Nhà chức trách cần có cách làm mạnh tay, xóa bỏ những kênh dành cho trẻ em nhưng nội dung độc hại".

Hiện nay, Youtube đã có YoutubeKids dành cho trẻ em. Facebook và Tiktok dành cho độ tuổi từ 13 trở lên. "Hãy đảm bảo trẻ dưới 13 tuổi thì chưa tiếp cận nền tảng này. Khi trẻ đủ tuổi từ 13-16-18 tuổi thì Facebook cũng có điều chỉnh nền tảng phù hợp. Vì vậy khi đăng ký tài khoản cần khai báo đúng độ tuổi" - chuyên gia Nguyễn Phương Linh chia sẻ.