Phó Chủ tịch Quận Hoàn Kiếm: "Điện thoại tôi cháy máy vì dân gọi"

Việc chăm lo hậu cần cho người dân thời gian cách ly được quận Hoàn Kiếm ưu tiên hàng đầu. Đích thân ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm được giao trọng trách quản lý chung địa bàn phường trong thời gian cách ly.

Kể từ 0h ngày 31/7 phường UBND Quận Hoàn Kiếm phong tỏa tạm thời toàn bộ phường Chương Dương cho đến khi có thông báo mới. Tâm lý người dân có phần hoang mang, lo sợ. Nhiều người đã tìm cách vượt rào ra ngoài vùng cách ly. "Điện thoại tôi cháy máy. Người dân hỏi tôi khi nào thì phường hết cách ly, rồi việc test Covid-19 như thế nào?... 90% giải quyết kịp và trả lời trong ngày. Nhưng nhiều cuộc điện thoại tôi buộc phải trả lời là có đường dây nóng của phường, công dân gọi đến sẽ có bộ phận tiếp dân" - ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch UBND Quận chia sẻ.

Phường Chương Dương có 6.500 hộ dân với hơn 23.000 nhân khẩu. Việc phong tỏa phường cũng có nhiều tình huống lần đầu gặp phải. Ngay trong đêm phong tỏa, một hộ gia đình trên địa bàn phường có đám ma. Gia đình loay hoay, lúng túng không biết sẽ tổ chức thế nào để vừa trọn vẹn với người đã khuất, vừa đảm bảo phòng dịch.

"Người nhà lên cửa ủy ban ngồi khóc lóc. Nhận được thông tin đó, tôi và cán bộ cơ sở xuống tận nơi chia buồn với gia đình, động viên giải thích cho gia đình hiểu được trong bối cảnh dịch bệnh cần phải như thế nào. Chúng tôi tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để phối hợp với gia đình tổ chức đám tang vừa trọn nghĩa vẹn tình, vừa đảm bảo tuyệt đối về phòng chống dịch" - ông Quân kể lại - "Đồng ý cho 5 người nhà lên xe tang đưa đến nhà hỏa táng. Đồng thời yêu cầu nhà tang lễ thành phố đảm bảo phòng chống dịch trong suốt quá trình đi lại và trả 5 người này về đúng địa chỉ phường, đảm bảo họ không ra ngoài".

Xe tuyên truyền phát thanh lưu động đi khắp các con ngõ. Các Chi hội Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Chữ thập đỏ cùng với Ban Phòng chống dịch của Phường, Quận tham gia vào công tác hỗ trợ người dân, nhắc nhở công dân không vi phạm công tác phòng dịch. "Chỉ cần người dân hiểu và hợp tác cùng với chúng tôi là hãy ở yên trong nhà thì tin rằng mọi khó khăn sẽ vượt qua và dịch được đẩy lùi" - ông Quân nhấn mạnh.

Cả cha và con cùng là tình nguyện viên

Phường Chương Dương thành lập 3 điểm tiếp nhận hàng tiếp tế là: Cầu Đất, Chương Dương Độ và Hàm Tử Quan. Có 2 khung giờ tiếp nhận: Sáng từ 8-10h và chiều từ 14-16h.

Có mặt từ trước 8h sáng tại cửa khẩu Hàm Tử Quan, theo dõi sát sao công tác tiếp nhận hàng hóa và giải quyết các tình huống phát sinh, ông Nguyễn Anh Quân cho biết, việc nhận hàng tiếp tế chỉ ùn tắc 1-2 ngày đầu, sang ngày hôm nay đã khá suôn sẻ. "Nguyên tắc của chúng tôi chỉ nhận hàng vào, tuyệt đối không nhận hàng ra. Khi nhận sẽ được tình nguyện viên phun khử khuẩn thì mới đưa lên xe chuyển về tận nhà cho các hộ dân" - ông Quân nói.

Có 2 kênh cung cấp thực phẩm là: Tổ chức cho bà con mua hàng online ở các siêu thị tiện ích đủ điều kiện hoạt động thông qua kênh của chi Hội Phụ nữ. Phương án 2 là người nhà gửi đến cho người thân trong vùng cách ly. Ngoài lực lượng dân quân, Hội Phụ nữ thì Đoàn Thanh niên "mạnh chân khỏe tay" đã tích cực tham gia tiếp nhận, vận chuyển và phân phát đến từng hộ gia đình bằng xe điện hoặc xe kéo tay.

Hương Giang (18 tuổi) vừa thi xong Đại học đã xung phong tham gia. Một ngày của các tình nguyện viên bắt đầu từ 7h sáng và kết thúc lúc 18-19h. "Buổi sáng: 8-10h là thời gian tiếp nhận thôi, còn vận chuyển có hôm bọn em làm đến 1h chiều. Ca chiều cũng như vậy" - Giang vén tóc mái đã ướt mồ hôi, tranh thủ uống ngụm nước trước khi lên xe điện đi phát đồ.

Không ít trường hợp người dân đến sai điểm tiếp tế hoặc quá giờ nhận. Dù cán bộ đã giải thích nhưng có người có thái độ bực dọc, chửi bậy. "Chúng em cố gắng hết mức phục vụ nhân dân thôi. Người dân đến tiếp tế phải đảm bảo đúng giờ và xếp hàng giãn cách".

Sau buổi đầu tiên thấy con gái tham gia tình nguyện bốc xếp giao hàng vất vả, anh Mạch Duy Huyến liền đăng ký tham gia. "Các cháu thanh niên làm sao khỏe bằng mình được. Dù sức có nhiều đến mấy nhưng bưng vác liên tục cũng sẽ nhanh mệt. Nhiều món hàng nặng, cả hàng bao tải, mình còn sức khỏe thì mình làm đỡ với các cháu và chị em, nhất là hàng thức ăn cần phải nhanh, không thì hỏng mất" - anh Huyến nói.

Ở đây cũng có nhiều gia đình cả bố/mẹ - con - con dâu/con rể đều tham gia làm tình nguyện viên, chia ca thay nhau trực tại các điểm nhận hàng. "Chúng tôi là người ở đây, thông thạo địa bàn nên việc này rất thuận lợi. Chỉ một vài trường hợp là người dân quên không nghe điện thoại hoặc cứ nằng nặc ra lấy đồ trực tiếp từ người thân. Chúng tôi vừa phân phát vừa nhắc nhở bà con trong khu" - bà Nguyễn Ngọc Thúy, chi Hội phụ nữ Phường cho biết.

Tại các điểm tiếp nhận luôn có sẵn giấy bút, băng keo để người tiếp tế, giao hàng ghi thông tin người nhận. Chuỗi cung ứng hàng thiết yếu cho người dân vùng cách ly được đảm bảo và nhanh chóng.

Một số hình ảnh cung cấp hàng hóa cho người dân phường Chương Dương: