Khi trẻ được thả nổi trong thế giới ảo
Thời gian trước, chị Ngô Minh Trang ở Hai Bà Trưng, Hà Nội luôn lấy việc cho con sử dụng điện thoại thông minh làm phần thưởng mỗi khi con nghe lời hoặc giúp chị làm một việc gì đó. Thế nhưng, chị không ngờ rằng, việc mình làm lại khiến cậu con trai 10 tuổi trở nên nghiện điện thoại di động đến vậy. Xuất phát là việc thỏa thuận giữa hai mẹ con nhưng sau này con chị ham đến mức quên ăn, quên ngủ, thường xuyên mất tập trung khi ngồi học, thậm chí la hét, văng tục với người lớn khi nhu cầu xem điện thoại không được đáp ứng:
Trên thực tế, không chỉ có chị Trang mà rất nhiều bậc phụ huynh đã và đang thả nổi con với các thiết bị thông minh, mạng internet và phải gánh chịu hậu quả khôn lường. Một trong số đó là chứng “nghiện game online”. Thực tế cho thấy, nghiện game đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân người chơi, gia đình và xã hội. Có những vụ án kinh hoàng do người “cuồng game” gây ra trong những năm qua khiến dư luận phải rùng mình. Hay như với em Thái ở quận Ba Đình, Hà Nội, đến với game với mục đích giải trí sau những giờ học tập căng thẳng, nhưng sau đó, Thái ham mê game đến mức không muốn làm bất cứ việc gì ngoài game:
“Lúc nào, em cũng có cảm giác chỉ muốn ở nhà để được chơi game. Em không muốn ra ngoài và cũng không muốn tiếp xúc với ai. Những game em chơi chủ yếu là game bạo lực. Khi chơi, em cảm thấy mình được sống thật với con người mình, mình được nhập vai để làm những cái mà ngoài đời mình không thể làm được. Những việc ấy khiến em thoải mái, nó giúp em vui hơn”, em Thái chia sẻ.
Không những thế, một số bạn trẻ được thoải mái, tự do tham gia vào thế giới ảo còn rơi vào trạng thái sống ảo, tức là phô bày lên mạng xã hội những gì không thuộc về mình, không sống thật với bản thân về lâu dài sẽ là sự suy thoái đạo đức lối sống ở lứa tuổi chưa thành niên... Hơn nữa, việc sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều khiến các bạn trẻ thu mình trong “vỏ ốc” do chính mình tạo ra và không có sự giao lưu, kết nối với bạn bè. Điều đó đã khiến một số bạn như Minh và Hương, 20 tuổi ở Hoàng Mai, Hà Nội rơi vào trạng thái trầm cảm, có những suy nghĩ tiêu cực và phải tham gia điều trị tâm lý.
Bên cạnh đó, việc sử dụng mạng xã hội thường xuyên còn khiến các em đối diện với nhiều nguy cơ như: rò rỉ thông tin, bị dụ dỗ, bị bắt nạt, bạo lực, thậm chí bị xâm hại trên mạng, gây tổn thương và để lại những di chứng dai dẳng. Câu chuyện của em H là một ví dụ. Do thói quen đăng tải những thông tin, hình ảnh cá nhân lên mạng xã hội H đã bị những kẻ ẩn danh lấy cắp hình ảnh rồi đăng vào những nhóm kín, trang web đen.
“Hình ảnh của em được phát tán trong một nhóm kín trên nền tảng Telegram có đến hơn 120.000 người. Những bình luận của họ rất khiếm nhã và xúc phạm. Thậm chí, có những câu nói rất tục tĩu, gây shock về cơ thể em. Có người còn tìm kiếm và liên lạc với em để gạ tình. Thực sự đây không chỉ dừng lại ở việc phát tán hình ảnh trái phép, mà là quấy rối tình dục”, em H kể.
Ngày nay, trẻ em dành nhiều thời gian sử dụng Internet với nhiều mục đích khác nhau nhưng chủ yếu là xem phim, sử dụng mạng xã hội, trò chuyện với bạn bè… Thế nhưng, những hậu quả mà các em phải gánh chịu là khôn lường.
Cần trang bị kiến thức và kỹ năng để trẻ biết cách bảo vệ mình trong thế giới ảo
Theo báo cáo của tổ chức UNICEF, 83% trẻ em Việt Nam từ 12 đến 13 tuổi sử dụng internet và con số này tăng lên 93% ở độ tuổi 14 - 15. Còn theo một khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ dành 5 - 7 giờ/1 ngày để sử dụng mạng xã hội. Đáng chú ý, chỉ có 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17, được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của các thiết bị kết nối internet như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, tivi thông minh… đã tạo cơ hội cho mọi đối tượng, trong đó có trẻ em được tiếp cận với thế giới thông tin rộng lớn. Bên cạnh những thông tin hữu ích còn không ít những thông tin xấu, độc mà nếu thiếu đi sự kiểm soát, trẻ em rất dễ “dính bẫy”.
Không chỉ nghiện game online, gia tăng bạo lực học đường… mà sự du nhập của nhiều luồng văn hóa, trong đó phải kể đến đó là “văn hóa thần tượng”. Nhiều bạn trẻ sẵn sàng bắt chước, làm theo mọi hành động của thần tượng kể cả những hành động mang tính cực đoan. Thậm chí có những bạn đã hình thành cách suy nghĩ, lối sống lệch lạc và bằng mọi cách để có được cuộc sống sang chảnh lung linh như một số người ở trên mạng.
Cách đây vài năm còn có những trò chơi tự sát lan truyền trên mạng xã hội như “Thử thách cá voi xanh” - trong đó người tham gia phải tự kết liễu đời mình sau 50 ngày. Đã có nhiều trường hợp tự sát, chủ yếu là ở độ tuổi thiếu niên liên quan đến trò chơi nguy hiểm này. Bên cạnh đó, những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền cụm từ “phông bạt, làm màu” trong câu chuyện thiện nguyện. Thực tế, không ai đánh giá việc bạn ủng hộ, đóng góp thế nào, nhưng việc một số bạn có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội chỉnh sửa giá trị thực chỉ để đánh bóng tên tuổi của mình.
PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, việc cho trẻ tự do không có người lớn kiểm soát trong thế giới ảo là vô cùng nguy hại, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm sinh lý cũng như sự phát triển nhân cách của trẻ.
Trong khi đó, kỹ năng cần thiết để sử dụng công nghệ một cách thông minh ở một số người lớn vẫn còn nhiều lỗ hổng. Vẫn có người nghiện mạng xã hội, mê game online, thích sống ảo và sa bẫy tin giả vô số thì rất khó có thể tạo ra "tấm lưới an toàn" để bảo vệ trẻ một cách toàn diện và hiệu quả. Cùng với đó, các cạm bẫy và rủi ro trong thế giới ảo nhiều vô kể, trong khi các phần mềm kiểm soát, lọc tin giả, chặn video phản cảm, bạo lực… vẫn chưa được hoàn thiện để trở thành chiếc áo giáp bảo vệ trẻ vững chắc.
Trước thực trạng này, mới đây, một số trường học của thành phố Hồ Chí Minh đã cấm học sinh dùng điện thoại di động trong suốt 8 tiết học trong trường, kể cả giờ ra chơi để học sinh tập trung học tập, kết nối nhiều hơn với thầy cô, bạn bè.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, việc cấm trẻ sử dụng điện thoại di động và truy cập mạng xã hội cũng cần phải tùy thuộc vào lứa tuổi cũng như không nên có hình thức cấm một cực đoan. Điều này có thể gây phản ứng ngược từ trẻ.
Chính vì vậy, để tránh những hệ lụy đau lòng xuất phát từ việc sử dụng mạng xã hội thiếu ý thức và yếu kỹ năng, thay vì cấm đoán các em sử dụng thiết bị thông minh truy cập mạng internet, gia đình - nhà trường - xã hội cần phải quyết liệt vào cuộc.
Trong đó, trách nhiệm "gạn đục khơi trong" cần nhà cung cấp dịch vụ lưu tâm hơn và cơ quan quản lý mạnh tay hơn. Cần chế tài nặng đối với số nhiều sản phẩm "rác" để thanh lọc bớt môi trường mạng. Nhà trường cần thường xuyên tổ chức các chuyên đề tập huấn kỹ năng sử dụng mạng xã hội an toàn, hiệu quả. Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến "bước chân số" của trẻ trên mạng để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, điều chỉnh những hành vi sai lệch.
Chắc chắn, sự đồng lòng tham gia của các bên liên quan sẽ giúp kiểm soát, ngăn chặn thông tin xấu độc, thanh lọc môi trường mạng trong sạch, lành mạnh, cũng như bảo vệ trẻ trước những nguy cơ từ không gian ảo.
Mời nghe cuộc trao đổi giữa phóng viên VOV2 với PGS.TS Phạm Mạnh Hà, Trường Đại học giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: