Ngay sau Tết nguyên đán Nhâm Dần, đã liên tiếp xảy ra các vụ đình công với sự tham gia của số lượng lớn công nhân, người lao động ở các tỉnh Nghệ An, Ninh Bình, Hà Tĩnh…. Theo báo cáo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong 6 tuần đầu tiên của năm 2022, trên cả nước đã xảy ra 28 cuộc đình công.

Vụ việc đầu tiên xảy ra vào ngày 7/2, ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, 5.000 công nhân của Công ty TNHH Viet Glory (Công ty sản xuất giày dép trên địa bàn tỉnh Nghệ An). Số công nhân này đã không vào làm việc mà tập trung bên ngoài để yêu cầu công ty đáp ứng các quyền lợi mà theo họ là chính đáng.

Ngay sau đó, tại Ninh Bình hơn 5.000 công nhân của Công ty TNHH Vienergy Việt Nam, Khu công nghiệp Phúc Sơn, TP Ninh Bình cũng đồng loạt ngừng việc tập thể để yêu cầu và kiến nghị công ty làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến tiền lương, các khoản phụ cấp, chế độ nghỉ phép năm..

Và mới đây nhất, hàng trăm công nhân thuộc Công ty TNHH Haivina (đóng tại thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) đã tụ tập tại trụ sở công ty này vì cho rằng lương thấp và thiệt thòi về một số quyền lợi.

Theo số liệu của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết, từ đầu năm 2022 đến hết ngày 12/2, tại 12 tỉnh, thành phố xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể. Các cuộc ngừng việc tập thể chủ yếu xoay quanh các yêu cầu tăng lương cơ bản, tăng chế độ hỗ trợ độc hại, phụ cấp thâm niên, hỗ trợ người lao động mắc COVID-19, thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động…

Trong cuộc trao đổi với PV VOV2, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, với vụ ngừng việc tập thể tại Nghệ An, sau nhiều lần thuyết phục, vận động đối thoại giữa công nhân, lao động và Ban Giám đốc doanh nghiệp không thành công, lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh đã phải làm việc với Ban đại diện Công ty để phối hợp giải quyết những kiến nghị của công nhân và rút kinh nghiệm từ vụ ngừng việc tập thể những ngày qua.

Tại buổi làm việc này các bên đã tìm được sự thống nhất, đồng thuận cao. Công ty Viet Glory đồng ý tăng 6% lương cơ bản cho người lao động và đảm bảo nhiều quyền lợi khác cho người lao động.

Còn tại tỉnh Ninh Bình, theo thông tin từ Liên đoàn Lao động tỉnh, đến thời điểm này hàng nghìn công nhân Công ty TNHH Vienergy (địa chỉ tại Khu công nghiệp Phúc Sơn, TP. Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) cũng đã đi làm trở lại sau khi những yêu cầu kiến nghị đưa ra đã được công ty đáp ứng. Tương tự, hơn 200 công nhân của công ty TNHH Haivina đã đi làm trở lại sau 1 ngày đình công đòi tăng lương và giải quyết một số chế độ khác.

Theo các chuyên gia về lao động việc làm: Đa phần các cuộc tranh chấp lao động xảy ra là do các bên thiếu thấu hiểu - thiếu chia sẻ - thiếu gắn bó. Rất nhiều doanh nghiệp không làm tốt việc công khai, minh bạch thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, các chế độ, quy định liên quan đến người lao động, từ đó dẫn đến người lao động không hiểu rõ tình hình thực tế của doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng không hiểu được những khó khăn, tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Lâu dần, sự thiếu thấu hiểu kéo dài sẽ chuyển thành mâu thuẫn nếu không được giải tỏa kịp thời. Và từ việc thiếu sự thấu hiểu, chia sẻ cộng hưởng với không ít doanh nghiệp không coi trọng người lao động, vi phạm pháp luật, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, thái độ ứng xử của người quản lý kém… dẫn đến cả 2 bên không xây dựng được mối quan hệ hài hòa gắn bó.

Từ thực tế của địa phương, ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho rằng: Để hạn chế tình trạng ngừng việc tập thể, các doanh nghiệp cần phải ban hành quy chế lương thưởng rõ ràng. Đặc biệt phải tổ chức các hội nghị đối thoại, hội nghị người lao động định kỳ để hai bên thấu hiểu và chia sẻ lẫn nhau.

“Quan trọng nhất là phải xây dựng được các quy định về lương, thưởng công khai minh bạch tại công ty. Thời gian nâng lương phải quy định rõ ràng. Chúng tôi sẽ hướng dẫn đến công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với chủ doanh nghiệp để ban hành hệ thống này”, ông Nguyễn Chí Công cho biết.

Để kịp thời hạn chế các vụ việc đình công, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có văn bản số 3649 chỉ đạo về việc tăng cường thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giải quyết tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu Liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn tới người lao động, người sử dụng lao động về việc đồng hành, chia sẻ khó khăn; Tăng cường phối hợp, đối thoại với các hiệp hội người sử dụng lao động tại địa phương, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế để nắm tình hình các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ công đoàn cơ sở, doanh nghiệp xây dựng quan hệ lao động, phòng ngừa, hạn chế thấp nhất tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể và đình công.

Đối với các địa phương, đơn vị có đông người lao động, nhiều doanh nghiệp cùng thuộc một chủ sở hữu hoặc cùng là công ty thành viên của các doanh nghiệp, tập đoàn, tổng công ty hoặc cùng sản xuất, cung ứng cho các doanh nghiệp lớn, các nhãn hàng, doanh nghiệp xuyên quốc gia… Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phải chủ động nắm thông tin về số lượng, địa chỉ, tình hình sản xuất, kinh doanh, tình hình thực hiện chế độ, các vấn đề bức xúc, khó khăn chung của người lao động, của các doanh nghiệp và phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương khác để rà soát, chia sẻ thông tin của các doanh nghiệp có trụ sở ở địa phương khác; chỉ đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thường xuyên nắm tình hình, hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở chủ động phối hợp, đề xuất với người sử dụng lao động thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức đối thoại định kỳ, đột xuất hoặc theo vụ việc, theo quy định.

Khi xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng hỗ trợ, hướng dẫn công đoàn cơ sở, người lao động, người sử dụng lao động đối thoại, thương lượng giải quyết, xử lý nhanh nhất, không để xảy ra ngừng việc tập thể kéo dài, lây lan.