Với thông điệp chính "Hãy hành động vì hạnh phúc", ngày 20/3/2013, Liên hợp quốc đã tổ chức ngày Quốc tế Hạnh phúc lần đầu tiên và được phát động trên toàn cầu. Đến nay, ngày Quốc tế Hạnh phúc – 20/3 đã nhận được sự hưởng ứng của 193 quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Các quốc gia cùng cam kết ủng hộ, hành động và nỗ lực hết sức có thể nhằm xây dựng một thế giới đại đồng, một xã hội công bằng, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và đem lại hạnh phúc cho nhân loại.

Năm nay, chủ đề̀ của ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 là "Hạnh phúc cho mọi người", nhằm khuyến khích mọi cá nhân, tổ chức, cộng đồng có hoạt động tích cực đem lại hạnh phúc cho người thân, gia đình, cộng đồng.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 2589/QĐ-TTg ngày 26/12/2013 phê duyệt Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3 hàng năm” nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, gia đình, toàn xã hội về Ngày quốc tế hạnh phúc, từ đó có hành động cụ thể, thiết thực xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng hạnh phúc của người Việt Nam; tăng cường sự tham gia, phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân và sự hợp tác, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với các hoạt động nhân Ngày quốc tế hạnh phúc.

Ngày quốc tế hạnh phúc cũng là hình thức lan tỏa giá trị hạnh phúc, hình thức để mang lại hạnh phúc cho mọi gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; xây dựng môi trường sống, học tập và làm việc hạnh phúc. Trong đó, mỗi gia đình hạnh phúc sẽ là nền tảng của xã hội hạnh phúc. Mọi gia đình đều hạnh phúc thì sẽ tạo dựng được xã hội, đất nước hạnh phúc.

Theo báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2023 do Liên Hợp Quốc công bố (dựa trên các tiêu chí được đánh giá gồm: GDP bình quân đầu người, hỗ trợ xã hội, tuổi thọ trung bình, quyền tự do lựa chọn cuộc sống, sự rộng lượng và nhận thức về tham nhũng), chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022 lên vị trí 65 năm 2023 và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Chỉ số dù ngày càng cải thiện nhưng liệu người Việt có thực sự hạnh phúc hay không? Giải pháp nào để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam? Đây là nội dung được đặt ra trong cuộc trao đổi giữa PV VOV2 với GS.TS Hồ Sĩ Quý, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam.

PV: Thưa GS.TS Hồ Sĩ Quý, trước hết xin được hỏi quan niệm của ông như thế nào về hạnh phúc?

GS.TS Hồ Sĩ Quý: Hạnh phúc trong mọi quan niệm, mọi cách đo đạc, trong nghiên cứu định lượng bao giờ cũng là sự đánh giá mức độ mà con người hài lòng với cuộc sống của mình. Nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con khôn, tự do dân chủ đều là những giá trị kỳ vọng, là những chỉ báo rất quan trọng thể hiện ước mơ hạnh phúc. Nhưng với tính cách là nhà khoa học, nhiều khi cần phải có những giá trị ưu tiên, tôi quan niệm rằng, đối với cá nhân, hạnh phúc trước hết là không phải lo lắng bất an hay sợ hãi về những điều đang diễn ra hay những điều sẽ diễn ra trong cuộc sống bình thường. Nghĩa là về cơ bản con người có thể làm chủ được cuộc sống bình thường của mình. Tôi nghĩ rằng thật là hạnh phúc đối với những ai đó có thể hoàn toàn chủ động giải quyết được những lo lắng, bất an có thể xẩy ra trong cuộc sống của họ. Trong xã hội có rất nhiều tiêu chí để đánh giá mức độ hạnh phúc. Nhưng tôi thì thiên về quan niệm cho rằng một xã hội hạnh phúc là ở đó phúc lợi xã hội, người giàu hay nghèo, người bình thường hay là những người có địa vị xã hội đều có thể cảm thấy dễ chịu như nhau, thoải mái với nhau, hạnh phục như nhau khi tiếp cận dịch vụ xã hội công.

PV: Nói về chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam những năm gần đây, ông có đánh giá như thế nào?

GS.TS Hồ Sĩ Quý: Hiện nay có 3 tổ chức quốc tế đang nghiên cứu định lượng về hạnh phúc và công bố định kỳ đối với thế giới. Đầu tiên là chỉ số hạnh phúc hành tinh là một trong những báo cáo về chỉ số hạnh phúc thế giới được công bố bởi quỹ kinh tế mới công bố lần đầu tiên vào năm 2006. Báo cáo chỉ số hạnh phúc hành tinh đánh giá rất cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ hạnh phúc thế giới. Năm 2006 Việt Nam đứng thứ 12 trên 178 quốc gia. Đến năm 2012 thì đứng thứ hai chỉ sau Costarica. Những năm gần đây như 2021, Việt Nam đứng thứ 5, nhưng 2 năm gần đây, thì chỉ số hạnh phúc hành tinh đã đánh giá Việt Nam đứng xuống thấp hơn một chút. Mặc dù thấp hơn nhưng vẫn còn vào thứ hạng rất cao của thế giới. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng người ta đánh giá cao Việt Nam là do tính tuổi thọ bình quân chia cho mức độ sử dụng tài nguyên thiên nhiên, thì ở góc độ này chỉ số tuổi thọ của người dân Việt Nam là khá cao.

Báo cáo thứ hai về hạnh phúc là của Hiệp hội điều tra nghiên cứu thị trường thế giới thuộc Ngân hàng Thế giới. Báo cáo này cũng công bố thường xuyên. Tuy nhiên là thiên về những vấn đề kỹ thuật và những vấn đề về kinh tế. Cho nên báo cáo này cũng không được sử dụng phổ biến

Trong mấy năm gần đây, một báo cáo hạnh phúc mà chúng ta đang sử dụng nhiều, kể cả Chính phủ và các nhà nghiên cứu khoa học của Việt Nam cũng như thế giới rất quan tâm và theo dõi sát sao đó là báo cáo chỉ số hạnh phúc thế giới, được công bố thường xuyên vào ngày 20 tháng 3 hàng năm. Đây là một nghiên cứu rất công phu của mạng lưới các giải pháp phát triển bền vững thuộc Liên hiệp Quốc. Báo cáo này được công bố lần đầu vào tháng 4 năm 2012 và từ đó đến nay người ta công bố nhiều báo cáo khác nhau. Theo đánh giá của báo cáo hạnh phúc thế giới, năm 2012 Việt Nam xếp hạng ở vị trí thứ 65/157 nước, năm 2016 xếp hạng thứ 96. Từ năm 2017 đến nay trên thực tế chỉ số hạnh phúc thế giới của Việt Nam được cải thiện khá đều đặn. Từ năm 2016 đến năm 2022 chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 19 bậc trong bảng xếp hạng. Hiện báo cáo năm 2023, Việt Nam xếp hạng thứ 65 nhưng mà chỉ số tuyệt đối thì đều có tăng. Điều này cho thấy, dù phải trải qua những biến động kinh tế xã hội bất lợi như khủng hoảng tài chính thế giới, đại dịch covid-19 nhưng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam vẫn được cải thiện tương đối tích cực. Điều này rõ ràng cho thấy sự phát triển năng động của xã hội Việt Nam, đời sống của đại đa số cư dân tốt hơn trước, những người cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình rõ ràng nhiều hơn.

PV: Nhiều người cũng băn khoăn, mặc dù chỉ số hạnh phúc của Việt Nam những năm gần đây có nhiều cải thiện, thậm chí còn nằm trong nhóm các nước hạnh phúc nhất khu vực và thế giới, nhưng liệu người Việt có thực sự hạnh phúc hay không? Đặc biệt khi nhìn vào những vấn đề gần gũi nhất với đời sống hằng ngày của người dân là giáo dục, y tế, an ninh, trật tự xã hội, an toàn thực phẩm..., có bao nhiêu người Việt Nam hài lòng?

GS.TS Hồ Sĩ Quý: Đây là một câu hỏi rất hay nhưng cũng khá khó. Nhưng chúng tôi cho rằng với những chỉ số đánh giá hạnh phúc của Việt Nam đến thời điểm này, thì cũng phản ánh khá sát, đúng thực trạng hạnh phúc của người dân Việt Nam. So sánh với thời gian đã qua thì hiện nay nền kinh tế phát triển năng động, nhiều mặt của đời sống xã hội đã có thay đổi tích cực so với trước. Một quốc gia có đến hơn 90% cư dân sử dụng Internet và trong số đó đa phần đều sử dụng các mạng xã hội, nhìn ở phạm vi bao quát như vậy, thì chỉ số người dân bằng lòng với cuộc sống của mình nhiều hơn trước là có thể hiểu được. Tuy nhiên, Việt Nam nếu nhìn thẳng vào thực tế thì chỉ số hạnh phúc của người Việt chúng ta vẫn còn có rất nhiều điều cần thiết phải suy ngẫm một cách sâu sắc hơn. Chẳng hạn, nếu hạnh phúc trước hết là không lo lắng, bất an và có thể làm chủ được cuộc sống bình thường của mình thì không khó để nhận ra rằng hiện nay nỗi lo lắng, không làm chủ được cuộc sống còn rất nhiều điều. Rất tiếc khá nhiều lo lắng, không phải do đời sống xã hội gây ra mà đôi khi do chính sách và thái độ cửa quyền của cơ quan công quyền gây ra.

PV: Vậy theo GS, trong thời gian tới cần những giải pháp gì để nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Việt Nam?

GS.TS Hồ Sĩ Quý: Theo tinh thần của tổ chức Liên Hợp Quốc khi ban hành báo cáo hạnh phúc thế giới lần đầu tiên năm 2012 thì người ta đã viết và hàng năm đều nhắc lại, hạnh phúc là thước đo đúng đắn của tiến bộ xã hội và là mục tiêu của chính sách công. Tôi nghĩ ở phạm vi cá nhân hạnh phúc của mỗi cá nhân trước hết là do cá nhân và những người xung quanh họ quan tâm xử lý trước. Nhưng từ phương diện xã hội, phạm vi cộng đồng thì chắc chắn cần có những giải pháp tác động đến chính sách và đến bộ máy quản lý công. Về phương diện này chúng tôi cho rằng có lẽ đừng bao giờ quên rằng chính bác Hồ đã dạy chúng ta, những người làm công tác quản lý xã hội, việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân thì trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết.

Thứ hai, hạnh phúc trước hết là người ta không phải lo lắng bất an về những điều bình thường có thể diễn ra trong cuộc sống. Do vậy, mọi hành vi của cơ quan công quyền, mọi chính sách mới ban hành, nếu chưa làm cho người dân được hạnh phúc hơn thì tôi nghĩ rằng chúng ta cố gắng hoạch định một cách tốt nhất để không gây thêm bất cứ một sự lo lắng nào, kể cả thủ tục hành chính công. Hiện nay phải nói rằng nỗi phấp phỏng lo lắng không làm chủ được cuộc sống còn khá nhiều.

Thứ ba, phải hướng tới một xã hội hạnh phúc trên diện rộng nghĩa là ở đó phúc lợi xã hội công bằng với tất cả, những người bình thường cũng như những người có địa vị xã hội, họ đều cảm thấy dễ chịu như nhau, hạnh phúc như nhau khi tiếp cận các dịch vụ công.

PV: Trân trọng cảm ơn GS.TS Hồ Sĩ Quý

Hôm nay, đúng ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, Mạng lưới Giải pháp Phát triển bền vững của Liên hợp quốc công bố báo cáo Hạnh phúc Thế giới thường niên lần thứ 10.

Top 10 quốc gia hạnh phúc nhất thế giới gồm Phần Lan, Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển, Israel, Hà Lan, Na Uy, Luxembourg, Thụy Sĩ và Australia. Trong đó, Phần Lan tiếp tục dẫn đầu với 7,7 điểm, kế đến vẫn là các quốc gia Bắc Âu gồm Đan Mạch, Iceland, Thụy Điển.

Trong báo cáo năm nay, chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 11 bậc, từ vị trí 65 vào năm 2023 lên vị trí 54 với tổng điểm trung bình 6,043.

Xét ở khu vực châu Á, Việt Nam đứng vị trí thứ 6, sau Singapore, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines.