Hồ điều hòa có ý nghĩa quan trọng đối với cảnh quan và môi trường sống ở đô thị. Sự có mặt của hồ điều hòa trong các dự án nhà ở, chung cư giúp cho khu vực nơi đó trong lành hơn. Dân cư sống tại đây sẽ được hưởng không khí mát lành, thoải mái, tốt cho sức khỏe.

Tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, kéo theo đó là sự vô trách nhiệm của một bộ phận dân chúng khiến các hồ điều hòa dần bị “bức tử”. Những lá phổi xanh của thành phố bị ô nhiễm, thiếu đi chức năng điều hòa không khí, thậm chí trở thành “điểm đen” của ô nhiễm môi trường.

Năm 2015, Hà Nội đã dành ra hơn 2000 ha để làm các hồ điều hòa, giúp cân bằng môi trường, tạo cảnh quan và cải thiện ô nhiễm không khí cho các khu dân cư, nhưng đến nay, diện tích này đã mất đi một nửa. Trong tiềm thức của những người dân Hà Nội, hồ bơi, hồ tự nhiên trước đây đã trở thành dĩ vãng. “Trước đây nơi này là hồ tự nhiên, trẻ con bơi nhiều nên gọi là hồ bơi. Giờ đô thị nhà cửa mọc lên nên người ta lấp hồ…”- anh Hùng, cư dân sống tại quận Cầu Giấy than thở.

Ở Hà Nội vấn đề ngập úng thường khó tránh khỏi khi mỗi mùa mưa tới. Hồ điều hòa sẽ giải quyết được vấn đề này. Mưa xuống trong hồ sẽ chứa lượng nước dư thừa và chảy theo hệ thống thoát nước đã được thiết kế trước đó. Rất nhiều chung cư hiện nay đã lắp đặt hệ thống tự động dùng nguồn nước có sẵn của hồ để có thể sử dụng khi nguy cấp như dùng nước để cứu hỏa, dập tắt các đám cháy. Vì vậy việc bức tử các hồ điều hòa, cũng làm mất đi an toàn vốn có của các khu dân cư. Những người dân ở khu vực Hoàng Cầu (Đống Đa), Đền Lừ, Mai Động (quận Hoàng Mai) giờ cũng chỉ biết than thở khi nhìn các hồ điều hòa, hồ tự nhiên cứ “biến mất” dần.

“Những nơi này muốn chống mưa, chống ngập thì người ta lắp cống, nhưng nước không có chỗ thoát thì vẫn ngập”. “ Ngày trước Hà Nội có hàng trăm cái hồ thế này, thoát nước khi mưa nhanh lắm, nhưng giờ cứ mưa là ngập”- nhiều người dân ngán ngẩm nhìn cảnh ngập úng mỗi khi Hà Nội mưa to.

Hà Nội đã xây dựng nhiều dự án đề tăng số lượng, cải tạo, gia cố các hồ điều hòa, thế nhưng sự thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương đã khiến cho các dự án này vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đề cập vấn đề này, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam phân tích: “Chúng ta hiện chỉ còn 121 cái hồ, trên diện tích hơn 1000 ha. Với tình hình biến đổi khí hậu như thế này, cứ mưa to chắc chắn sẽ ngập. Thành phố có quy hoạch, kế hoạch để xây thêm hồ điều hòa nhưng tình trạng là vẫn bị chậm chễ. Chúng ta cần tập trung quy hoạch chi tiết về hồ điều hòa. Các chủ đầu tư khi xây chung cư cần đảm bảo đúng quy hoạch về diện tích mặt nước, hồ như thiết kế, việc này chúng ta đã từng làm, nhưng việc kiểm tra vẫn còn chậm chễ, bị buông lỏng”.

Hồ điều hòa góp phần không nhỏ trong việc tăng chất lượng cho các khu nhà ở, cung cấp nguồn không khí trong lành. Trong tương lai, khi nguồn nước ngọt bị hạn chế. Hồ điều hòa còn có thêm nhiệm vụ cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất. Tại các khu đất nông nghiệp, hồ điều hòa có nhiệm vụ trữ nước cho sản xuất trong mùa khô hạn. Còn mùa mưa hồ ngăn nước tràn vào các vùng đô thị, ngăn úng ngập. Vì vậy việc mở rộng các hồ điều hòa cần được đẩy mạnh trong thời gian tới. “Chúng ta cần mạnh dạn xã hội hóa để xây thêm hồ, thêm công viên cây xanh, để người dân sống trong môi trường được trong lành hơn”-Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Hội bất động sản Việt Nam kiến nghị.

Chức năng hồ điều hòa là vô cùng quan trọng trong việc điều hòa, cải tạo và giảm nguy cơ ô nhiễm cho đời sống đô thị. Vì vậy việc dần biến mất của các hồ điều hòa tại Hà Nội thực sự đáng báo động. Đã đến lúc, Hà Nội cần rà soát và có những chế tài mạnh mẽ để bảo vệ, cải tạo các hồ điều hòa.