Trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đời sống, thu nhập của người lao động và hoạt động sản xuất, kinh doanh của người sử dụng lao động, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó từ ngày 1/10, người lao động tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ bằng tiền với mức hỗ trợ trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, dao động trong khoảng từ 1,8 triệu đồng đến 3,3 triệu đồng/người. Nguồn kinh phí hỗ trợ là khoảng 30.000 tỷ đồng được trích từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Còn đối với người sử dụng lao động sẽ được giảm mức đóng vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian giảm đóng 12 tháng, kể từ 1/10 năm nay. Dự kiến doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được khoảng 8.000 tỷ đồng từ chính sách hỗ trợ này.

Hỗ trợ trực tiếp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp: Giải pháp chưa có tiền lệ

Phải nghỉ việc không lương nhiều tháng nay, kinh tế của gia đình đã thực sự cạn kiệt do đại dịch covid- 19, nên trước thông tin chính phủ trích Quỹ bảo hiểm thất nghiệp (Quỹ BHTN) để hỗ trợ người lao động, chị Nguyễn Khánh Ly ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cảm thấy vô cùng phấn khởi và mong từng ngày sớm được nhận số tiền hỗ trợ này.

“Tôi mới biết về gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ từ Quỹ BHTN của những người từng tham gia đóng BHTN khi đang làm việc. Tôi rất mừng khi chính phủ có chính sách như vậy và tôi cũng muốn được hưởng chế độ này, nhất là thời điểm dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường, cũng rất hy vọng mình nằm trong diện được trợ cấp từ Quỹ BHTN”, chị Khánh Ly chia sẻ.

Ông Lê Thanh Thủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty Cổ phần Giầy Vĩnh Yên cho biết, dù mới nhận được thông tin về gói hỗ trợ này, nhưng ông tin rằng sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất và hỗ trợ người lao động. Ông Thủy mong sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn để người hưởng lợi biết phải làm những thủ tục gì.

Đánh giá về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp của Chính phủ, ông Phạm Văn Hòa, Đại biểu QH khóa 15 khẳng định: Đây là chính sách nhân văn, chưa có tiền lệ, thể hiện đúng bản chất và vai trò, ý nghĩa của Bảo hiểm thất nghiệp trong nền kinh tế, thị trường lao động.

Đồng quan điểm này, trong cuộc trao đổi với PV VOV2, ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nhận định: Nghị quyết 116, ban hành vào thời điểm này tôi là rất đúng, trúng và kịp thời, đảm bảo an sinh cho người lao động, người sử dụng lao động.

“Thời gian vừa qua, người lao động và người sử dụng lao động phải đối mặt với những khủng hoảng của đại dịch Covid- 19. Bởi vậy việc trích Quỹ BHTN để hỗ trợ là thể hiện đúng bản chất, vai trò, ý nghĩa "bà đỡ" của Bảo hiểm thất nghiệp khi lao động gặp khó khăn. Còn đối với doanh nghiệp, việc giảm 1% đóng Quỹ BHTN là sự quan tâm, động lực để họ dành nguồn kinh phí phục hồi sản xuất, phòng chống dịch. Việc này rất ý nghĩa", ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.

Theo dự kiến, việc chi trả gói hỗ trợ này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 3 tháng (từ 1/10 đến 31/12/2021). Tuy nhiên, trong cuộc trao đổi mới đây với báo chí, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sẽ cố gắng rút ngắn thời gian thực hiện xuống chỉ còn tối đa 45 ngày.

Ông Lê Quang Trung cho rằng, mặc dù khoảng thời gian để thực hiện là rất ngắn nhưng ông rất tin tưởng vào kỳ vọng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt ra. Ông Trung cho rằng, khi triển khai chính sách này cần tận dụng tối đa vai trò của công nghệ thông tin. Điều này không chỉ giúp số tiền hỗ trợ nhanh chóng đến với người lao động mà còn đảm bảo sự công bằng, công khai và minh bạch.

Ngoài ra, để đảm bảo việc thực hiện đúng tiến độ đề ra, ông Trung cho rằng, các yêu cầu về thủ tục để người lao động, doanh nghiệp được thụ hưởng làm sao phải đơn giản nhất có thể, tránh yêu cầu nhiều văn bản, thủ tục qua nhiều cấp gây khó cho người lao động.

Nên cụ thể hóa đối tượng nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Theo ông Lê Quang Trung, một trong những điểm thuận lợi khi triển khai Nghị quyết 116 là Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có cơ sở dữ liệu danh sách người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ lập danh sách và gửi xác nhận qua các cơ quan, doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Tuy nhiên trong hướng dẫn triển khai vẫn rất cần xác định rõ các đối tượng. Đối với nhóm thụ hưởng là người lao động, cần thống kê các trường hợp lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trong doanh nghiệp được hưởng. Vì nhiều doanh nghiệp thuộc đối tượng tham gia nhưng có thể chủ doanh nghiệp không có ở đơn vị hoặc nhiều đơn vị tham gia nhưng gặp khó khăn chưa đóng được bảo hiểm thất nghiệp của những tháng gần đây. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ chế độ thai sản, ốm đau, bệnh nghề nghiệp... cũng phải tính đến. Những người thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cũng cần được hỗ trợ bởi thực chất họ rất khó khăn. Những người chưa đóng sau này họ vẫn phải đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

Trước những ý kiến lo lắng về việc trích một khoản tiền lớn như vậy từ Quỹ BHTN có thể khiến quỹ thâm hụt và an toàn quỹ liệu có còn đảm bảo, ông Lê Quang Trung cho rằng, tại thời điểm này, kết dư của Quỹ BHTN lên tới gần 90.000 tỷ. Và khi xây dựng chính sách này đã có các chuyên gia quốc tế, chuyên gia trong nước cùng với các cơ quan, nghiên cứu các phương án cân đối về vấn đề tài chính để làm sao đáp ứng an toàn quỹ và phát triển quỹ. Và trên thực tế những năm qua, đã được chứng minh, sự an toàn của quỹ được khẳng định rõ ràng. Do đó dù trích 30 nghìn tỷ để hỗ trợ người lao động thì vẫn đảm bảo an toàn quỹ.

Theo ông Lê Quang Trung, điều quan trọng và cần quan tâm lúc này là phải đặt ra cơ chế kiểm tra, giám sát từ bước đầu triển khai. Cần giao trách nhiệm cụ thể cho ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức công đoàn, các tổ chức Mặt trận để giám sát kiểm tra và kịp thời phát hiện và xử lý những hành vi trục lợi hoặc các hành vi vi phạm làm mất đi giá trị nhân văn của chính sách.