Hạnh phúc gia đình trẻ đến từ những điều nho nhỏ.

Đón hai con sinh đôi về nhà, ông bố trẻ Nguyễn Hải Nam nhà ở phố Thịnh Quang, Đống Đa, Hà Nội bắt tay ngay vào những phần việc quen thuộc. Trước tiên phải làm sao để quản được hai nhóc đang ở độ tuổi quậy nhất. Nào hôm nay cùng tô màu nhé, một lúc sau lại phải chuyển sang xếp hình... Cho đến lúc đứa nào đứa nấy tập trung bận mải với trò chơi, anh Nam mới quay sang phần việc chính: Nấu cơm.

“Ngày trước mình dù mẹ mất sớm nhưng được các bác chăm, ít khi phải làm nhưng lấy vợ có con thì làm thấy vui. Ví dụ như tắm cho trẻ con, cứ nghĩ không nấu cho con đi ăn ngoài thấy xấu hổ, một ngày có ít nhất một bữa thì tình cảm hơn”, anh Nam chia sẻ.

Vợ đi làm sớm, về lại muộn, bản thân anh Nam do đặc thù công việc ca kíp khiến khoảng thời gian cả hai cùng có mặt ở nhà không nhiều. Vậy nên công việc bếp núc cũng không cố định, cứ theo lịch ai về sớm đón con sẽ nấu cơm. Đến với nhau trong điều kiện cả hai bên do hoàn cảnh riêng đều thiếu hụt tình cảm gia đình nên đều ý thức việc xây đắp hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Anh Nam kể rằng mẹ mất sớm nên thuở bé có cảm giác rất thèm mỗi lần nhìn thấy bạn bè được đi đấy đi đó. Bản thân anh ước mơ khi lớn lên sẽ đi vòng quanh thế giới. Yêu và lấy bạn cùng lớp lại cùng sở thích du lịch nên cả hai luôn cố gắng có những chuyến đi cùng nhau. "Mỗi chuyến đi đem lại niềm vui, hạnh phúc, gia đình gắn kết, yêu thương nhau hơn”, Tân Cẩm Ly, vợ Hải Nam kể lại.

Hạnh phúc gia đình với Cẩm Ly thực ra bắt nguồn từ những điều hết sức giản dị như việc cố gắng thu xếp thời gian bên nhau thật nhiều mỗi ngày, cùng nhau trải nghiệm những cảm xúc trên những cung đường mới hay có khi chỉ đơn giản vào bếp nấu một bữa cơm, dọn dẹp ngăn nắp ngôi nhà. Những điều tưởng chừng nhỏ bé và rất đỗi bình thường lại trở thành mối nối bền chặt cho gia đình nhỏ của họ.

Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú: Bữa cơm tối, khoảng thời gian cho yêu thương và gắn kết.

Theo nhà báo Hoàng Anh Tú, trong cuộc sống hiện đại, mối kết nối giữa các thành viên trong gia đình bị ảnh hưởng bởi nhịp sống gấp gáp, ít có thời gian dành cho nhau hoặc bị tác động bởi các thiết bị điện tử như smart-phone.

Ngoài những tác động của thiết bị thông minh của mỗi gia đình với vô vàn công việc cần tiếp tục giải quyết online thì việc vợ hoặc chồng vì mưu sinh đi làm ăn xa cũng tác động không nhỏ vào bữa cơm chung, khoảng thời gian, không gian gắn kết quý báu trong mỗi gia đình hiện đại.

Nhà văn- nhà báo Hoàng Anh Tú đưa ra con số 3% trong tổng số các cuộc ly hôn có nguyên nhân từ sự xa cách về địa lý của các cặp vợ chồng. Các gia đình online thực sự bị đặt trước thách thức lớn khi gia đình cần được trực tiếp trao gửi những cú chạm vào nhau, nói cùng nhau, cười với nhau và cả giải quyết những hiểu lầm, khúc mắc cùng nhau.

Vì vậy cần trân trọng bữa cơm tối, thời điểm được xem như quý báu trong việc gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình sau mỗi ngày. Với nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú, có một bữa tối đông đủ các thành viên từ bé đã là ước mơ, khát khao và cũng trở thành động lực để anh kết hôn.

“Bố tôi thì đi làm rất bận, mẹ tôi bán hàng dù ngay trước cửa nhà thôi nhưng đặc thù công việc, hồi nhỏ, gia đình chúng tôi không có bữa cơm chung. Đó là lý do mà ngay khi mới có 20 tuổi, tôi đã mơ lấy vợ. Bởi vì thật sự tôi mong rằng có bữa cơm gia đình”.

Bữa cơm anh Tú mong chờ không đơn giản để no bụng, để tính đếm món này món kia. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều gia đình không có đủ thời gian để họ nấu nướng. Điều quan trọng ở việc các thành viên có một khoảng thời gian, không gian quây quần cùng nhau, ăn cùng nhau và trò chuyện cùng nhau. Bởi lẽ đó, không cần phải ngày nào cũng ăn cùng nhau, có thể tuần vài buổi và cũng có thể ra ngoài ăn cùng nhau cũng đáng quý.

“Tôi vẫn cho rằng đấy vẫn được coi như một bữa cơm gia đình hạnh phúc khi các thành viên được ngồi với nhau và thực sự chứ không phải là ăn điện thoại”, nhà văn-nhà báo Hoàng Anh Tú nhấn mạnh.

“Không sử dụng điện thoại” trở thành luật bất thành văn trong mỗi bữa cơm chung ở gia đình anh Tú. Đó phải trở thành quãng thời gian để mỗi thành viên có thể là trao đổi và sẻ chia được nhiều nhất, có khi cũng chỉ đơn giản như kiểu những câu chuyện, cảm xúc xảy ra với bố, mẹ, con cái trong một ngày học tập, làm việc. Bữa cơm nó càng rôm rả bao nhiêu sẽ càng có giá trị trong việc gắn kết, sẻ chia.

Có những cử chỉ theo nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú được xem như nhỏ thôi nhưng sẽ khiến các thành viên trong gia đình luôn cảm nhận và rất mong muốn trở về căn nhà, với gia đình sau mỗi ngày. Yêu thương trong gia đình không hẳn thể hiện bằng lời. Đó có thể chỉ là những động chạm rất khẽ như việc nắm tay nhau hay những cái ôm thật chặt của hai vợ chồng, khoác vai cậu con trai, cô con gái theo cách tự nhiên nhất.

Duy trì việc “cùng nhau nhiều nhất có thể” cùng việc tôn trọng, cho nhau quyền để mỗi thành viên được chia sẻ, thể hiện bản thân cũng góp phần tạo nên những mối nối bền chặt cho gia đình.

“Chúng tôi đã làm được những điều như thế và tôi nghĩ rằng là với tất cả các cặp vợ chồng cũng làm được, thay vì là chúng ta cứ đi tìm hạnh phúc gì đó rất là xa xôi”.

Ngày gia đình Việt Nam năm nay trùng đúng ngày thi đầu của Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhà báo Hoàng Anh Tú khuyên các phụ huynh khi kết thúc thi, dù đón con hay không, mỗi phụ huynh đừng hỏi han quá nhiều, đừng so sánh bì tị tại sao thế này? Tại sao không thế kia? Thay vào đó, hãy dành cho nhau một buổi tối ở cùng nhau, ăn cùng nhau và nói những câu chuyện nhiều niềm vui, sự lạc quan. Và dù kết quả thế nào cũng không ảnh hưởng tới tình cảm các thành viên dành cho nhau.