13 năm trước, anh Dũng làm việc tại một doanh nghiệp thực phẩm. Cách đây 2 năm, khi dịch Covid – 19 bùng phát, công ty làm ăn bấp bênh, anh xin nghỉ việc, đi làm bảo vệ ở một Trung tâm điện máy. Hơn 3 tháng nay, anh nghỉ ở nhà phụ vợ bán hàng. Cần thêm vốn để buôn bán, anh quyết định đến cơ quan BHXH làm thủ tục hưởng chế độ BHXH một lần.
Chị Lê Thị Hương 35 tuổi ở tỉnh Vĩnh Phúc đã có gần 7 năm tham gia đóng BHXH. Đầu năm ngoái, khi hết hợp đồng lao động, công ty cho chị nghỉ việc. Cuộc sống khó khăn, chị quyết định xin hưởng BHXH một lần dù biết rằng khi hết tuổi lao động, nếu không có lương hưu sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo thống kê của cơ quan BHXH, chỉ trong vòng 3 tháng đầu năm 2022 này đã có tới gần 210.000 người đã được giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần. Ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách Pháp luật – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: Tình trạng số người hưởng BHXH một lần nhiều và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây là vấn đề đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động cũng như nỗ lực và quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu “Bảo hiểm xã hội toàn dân”.
Phân tích nguyên nhân, ông Lê Đình Quảng nhìn nhận: Trước tiên phải kể đến thu nhập, đời sống của người lao động hiện nay còn nhiều khó khăn; tình trạng “ráo mồ hôi là hết tiền” luôn thường trực trong đời sống của người lao động. Do đó khi phải nghỉ việc, hầu hết công nhân buộc phải lựa chọn hưởng BHXH một lần để có một khoản tiền trang trải cho cuộc sống trước mắt. Bên cạnh đó, chính sách BHXH hiện nay của chúng ta chưa thực sự hấp dẫn và linh hoạt nên chưa tạo niềm tin để thu hút đông đảo người lao động gắn bó lâu dài với hệ thống BHXH.
Theo điều tra của cơ quan chức năng thì bình quân cứ hai người mới tham gia BHXH thì lại có một người rời đi. Có đến 97% số người chọn rút một lần là lao động sau một năm nghỉ việc không đóng BHXH, chủ yếu thuộc nhóm lao động trẻ ngoài khu vực nhà nước, từ 26 - 29 tuổi. Ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội cho rằng: Nếu người lao động hưởng BHXH một lần thì người lao động mất quan hệ BHXH và trước hết, mất chế độ ốm đau, thai sản, TNLD, BNN. Đây là 3 chế độ BHXH ngắn hạn được hưởng ngay trong quá trình đang đóng BHXH và đương nhiên khi về hưu thì không có chế độ hưu trí và tử tuất. Thiệt thòi nhất cho người lao động là tuy họ đóng vào quỹ hưu trí tử tuất 2,64 tháng lương nhưng họ chỉ được hưởng 2 tháng tiền lương/năm, và không có nguồn thu nhập khi về già, dễ trở thành gánh nặng cho con cái và xã hội.
Theo quy định của Luật BHXH hiện hành, những người lao động có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm, khi hết tuổi lao động được hưởng lương hưu, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho rằng, cần phải sửa đổi quy định này vì thời gian 20 năm là quá dài. Cùng với đó, chính sách pháp luật về BHXH phải được tiến hành đồng bộ, toàn diện, “trọn gói” và nhất quán quan điểm sửa đổi Luật BHXH theo hướng linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí. Đồng thời, điều chỉnh cách tính lương hưu theo nguyên tắc đóng – hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Sửa đổi các quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH để đạt mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH; hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, nợ đóng, trục lợi BHXH, tạo niềm tin cho người lao động./.
Mời quý vị và các bạn nghe phân tích của ông Lê Đình Quảng Phó trưởng ban Chính sách – Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tại đây: