Nghe bài viết tại đây:

Trong quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR) của Nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; trong đó đề cập đến việc đưa kẹo cao su vào danh sách các sản phẩm mà nhà sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp 1,5% giá trị lô hàng vào Quỹ Bảo vệ môi trường để hỗ trợ thu gom, xử lý bã kẹo cao su.

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh kẹo cao su chủ yếu được làm từ nhựa. Do đó, bã kẹo khi thải bỏ sẽ tồn tại rất lâu trong tự nhiên, gây tác động xấu đến môi trường. Đại diện Hiệp hội cao su Việt Nam cho rằng cách làm này không hợp lý. "Kẹo cao su đã được chứng minh có ích với sức khỏe và răng miệng. Việc giáo dục người tiêu dùng nhả bã kẹo cao su đúng cách mới là giải pháp căn cơ, tốt cho cả doanh nghiệp và môi trường".

Việc thu gom tái chế kẹo cao su là bất khả thi. Hiện nay pháp luật đã có quy định xử phạt hành vi thải bỏ bã kẹo cao su không đúng quy cách với mức phạt từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng. Thế nhưng, bã kẹo cao su vẫn vứt vương vãi nhiều nơi nhưng không tìm ra ai để phạt. Chuyên gia pháp lý Nguyễn Hoàng Phượng cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới, việc xử lý, giảm thiểu tác động môi trường của bã kẹo cao su được thải bỏ không đúng quy cách gây rất nhiều phiền toái và tốn kém cho chính quyền địa phương – người đang phải thực hiện và chi trả cho việc làm sạch đường phố và các khu vực công cộng.

"Tổ chức Zero Waste Scotland ước tính, phải tốn 1,50 bảng Anh để làm sạch mỗi mẩu bã kẹo cao su, trong khi bản thân sản phẩm chỉ tốn vài xu. Còn theo Văn phòng Khoa học và Công nghệ của Nghị viện Anh, các chính quyền địa phương đã chi hơn 400 triệu bảng Anh cho việc dọn dẹp đường phố mỗi năm" -Chuyên gia Nguyễn Hoàng Phượng dẫn chứng.

Ở Việt Nam, bã kẹo cao su không chỉ được tìm thấy trên vỉa hè, nó còn bị gắn, dính cả ở những khu di tích tôn giáo, lịch sử, ghế đá của các quảng trường, công viên, nhà hát, trường học... Điều này không chỉ mất mỹ quan khu vực công cộng mà còn gây khó khăn trong việc tìm được bã kẹo để làm sạch.

Theo quan điểm của các chuyên gia môi trường, nếu EPR đi vào thực thi sẽ tác động rất lớn đến thị trường sản phẩm. Rất có thể viên kẹo cao su sẽ tăng giá. Bà Nguyễn Hoàng Phượng cho rằng, một lý do quan trọng để kẹo cao su vào danh mục sản phẩm tái chế của EPR là để đóng góp tài chính vào chi phí môi trường.

"Mặc dù, hiện tại, ở Việt Nam chưa có tính toán về chi phí làm sạch bã kẹo cao su nhưng rõ ràng việc xử lý kẹo cao su làm gia tăng chi phí làm sạch đường phố ở các địa phương. Vì vậy, kẹo cao su cần được điều chỉnh bởi các chính sách môi trường, trong đó có EPR" - Bà Phượng nói.

Chính sách về EPR có hai cơ chế, một là doanh nghiệp có thể tự thực hiện việc tái chế và đóng tiền cho một đơn vị khác tái chế, hai là đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường. Kẹo cao su thuộc nhóm hai này. Ông Hoàng Thành Vĩnh - Quản lý chương trình về Hóa chất, chất thải và kinh tế tuần hoàn của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho rằng cần hiểu mục đích cao nhất của EPR không phải là để móc tiền từ doanh nghiệp mà là hướng các nhà sản xuất xây dựng mô hình thân thiện hơn với môi trường.

Trên thị trường hiện nay có nhiều sản phẩm thay thế cùng loại như kẹo ngậm, nước súc miệng, kẹo cao su có thành phần hoàn toàn thiên nhiên, kẹo ngậm có nicotine… đảm bảo nhu cầu của người tiêu dùng mà ít gây tác động đến môi trường, ít gây khó khăn cho người lao động và tốn kém ngân sách công cho làm sạch đường phố như kẹo cao su. Điều quan trọng là sự minh bạch tài chính đóng góp giữa các đơn vị sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này để đảm bảo sự cạnh tranh trên thị trường.